Kiểm soát chặt thị trường giá cả những tháng cuối năm 2020

author 16:29 21/07/2020

(VietQ.vn) - Trong nửa đầu năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 4,19%, vượt mục tiêu đặt ra cho cả năm nay, đòi hỏi những giải pháp mạnh hơn để kiểm soát chặt trong nửa cuối năm.

Mặc dù có nhiều yếu tố tác động cả bên ngoài và nội địa nhưng Chính phủ quyết tâm kiểm soát Chỉ số giá tiêu dùng không quá 4% trong năm 2020.

 

Kiểm soát chỉ số CPI trong 6 tháng đầu năm rất đáng ghi nhận

Đánh giá về tình hình giá cả thị trường 6 tháng đầu năm 2020, ông Nguyễn Xuân Định, Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong những tháng đầu năm, mặt bằng giá cả thị trường diễn biến tăng, giảm đan xen do chịu ảnh hưởng của các yếu tố cung - cầu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Việc kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Chính phủ thời gian qua là rất đáng ghi nhận.

Cụ thể, CPI tháng 6 tăng 0,66% so với tháng 5/2020, đây là mức tăng cao nhất trong cùng kỳ giai đoạn 2016-2020. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản tháng 6/2020 tăng 0,07% so với tháng 5/2020 và tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Phân tích về các yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm 2020, PGS. TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu trong 6 tháng đầu năm giảm 19,49% so với cùng kỳ năm 2019 (tác động làm CPI giảm 0,81%). Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến du lịch, hoạt động đi lại của người dân sau Tết giảm khiến giá của nhóm du lịch trọn gói giảm 1,49% so với cùng kỳ năm 2019…

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Xuân Định đưa ra một số nguyên nhân làm giảm áp lực lên mặt bằng giá 6 tháng đầu năm như: Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá; Các chính sách về tài khóa, tiền tệ được triển khai đồng bộ, toàn diện; Giá thuê nhà ở giảm do nhiều hộ gia đình giảm giá thuê nhà ở để hỗ trợ người tiêu dùng trong tình hình dịch Covid-19; Chính sách về giảm giá điện cho tất cả các hộ tiêu dùng trong quý II/2020 đã phần nào làm giảm áp lực về mức chi trả tiền điện tiêu thụ trong mùa nắng nóng…

Yếu tố kiềm chế CPI tăng đột biến trong những tháng cuối năm 2020

Nhận định về tình hình giá cả thị trường những tháng cuối năm, PGS. TS. Nguyễn Bá Minh dự báo: Trong những tháng cuối năm 2020 sẽ có 2 nhân tố chính tác động làm tăng CPI như: Giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại khi dịch Covid-19 trên thế giới dần dần được khống chế và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục trở lại.

Tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng và bão lũ cực đoan… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung – cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Minh cũng đưa ra 3 yếu tố chính kiềm chế CPI tăng trong những tháng cuối năm 2020 gồm: Tình hình dịch bệnh Covid-19, chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục. Điều này làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường trên thế giới khó tăng như kỳ vọng.

“Cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra. Đây chính là yếu tố tích cực ổn định CPI” - ông Minh nói.

Bên cạnh đó, nói về triển vọng CPI trong những tháng cuối năm 2020, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhận định, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 4% trong năm 2020 sẽ đạt được nếu CPI trong các tháng còn lại của năm tăng trung bình dưới 0,6%/tháng.

“Điều này hoàn toàn khả thi, bởi áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm sẽ không quá lớn do kinh tế thế giới chưa thể phục hồi hoàn toàn trong nửa cuối năm 2020, nên giá dầu sẽ khó tăng mạnh. Nhiều khả năng giá dầu (WTI) sẽ xoay quanh mức 40 USD/thùng trong thời gian tới, nếu dịch bệnh Covid-19 được các nước khống chế thành công”, TS. Nguyễn Đức Độ dự báo.

Ngoài ra, để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, đại diện Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cũng cho rằng cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có các giải pháp kịp thời bình ổn thị trường.

Giá thịt lợn là nguyên nhân chủ yếu đẩy CPI tăng cao(VietQ.vn) - Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 4,19% so với cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 6/2020 giảm 0,59% so với tháng 12/2019 và tăng 3,17% so với cùng kỳ năm trước.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang