Kiểm soát hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

author 14:42 07/10/2019

(VietQ.vn) - Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ 389 Quốc gia Đinh Tiến Dũng vừa giao Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia có văn bản chỉ đạo BCĐ 389 các Bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, tình trạng buôn bán, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng ở khắp các vùng miền, đặc biệt khu vực đô thị. Trong đó, hàng hóa vi phạm tập trung nhiều ở các mặt hàng như xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng bách hóa tiêu dùng, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu…

Trước tình hình này, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao Tổng cục Hải quan phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có văn bản chỉ đạo các Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể; tăng tần suất kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm...

Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát tại địa bàn trọng điểm khu vực cửa khẩu đường bộ, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, khu vực cảng biển, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện, chuyển phát nhanh quốc tế, đường sắt liên vận quốc tế.

Ảnh minh họa. 

Trước đó, xét báo cáo của Bộ Tư pháp về các vướng mắc trong xử lý tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) theo Điều 226 của Bộ Luật Hình sự, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý các nội dung báo cáo và kiến nghị của Bộ Tư pháp.

Phó Thủ tướng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Công an trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn điều 225, Điều 226 của Bộ luật hình sự.

Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ để xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính (Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Liên quan tới vấn đề trên, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Về quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ hướng đến mục tiêu bảo đảm điều kiện cho việc khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ do Nhà nước đầu tư thông qua các quy định cụ thể về quyền nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước; hoàn thiện các quy định liên quan đến thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng, hữu hiệu trong việc xác lập, duy trì quyền SHCN đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, các thủ tục xử lý ý kiến của người thứ ba cũng như việc áp dụng các quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực SHCN.

Đồng thời đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa quyền lợi của chủ thể quyền và của xã hội thông qua việc hợp lý hóa cơ chế bảo hộ sáng chế (tiêu chí đánh giá điều kiện bảo hộ); minh bạch hóa tiêu chí đánh giá nhãn hiệu (xung đột với các đối tượng SHCN khác, đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng); xác định phạm vi bảo hộ đối với các chỉ dẫn địa lý đồng âm; hoàn thiện các tiêu chuẩn bảo hộ đối với nhãn hiệu phi truyền thống, đối với cơ chế bảo hộ dữ liệu nông phẩm nhằm đáp ứng nghĩa vụ trong các FTA;

Bên cạnh đó, tăng cường hệ thống hỗ trợ, bổ trợ cho công tác bảo vệ quyền SHTT thông qua việc cải thiện chất lượng đại diện SHCN với cơ cấu quản lý theo lĩnh vực; mở rộng hoạt động giám định SHCN cho các tổ chức, cá nhân đáp ứng yêu cầu.

Phong Lâm

Sở hữu trí tuệ trở thành công cụ nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế(VietQ.vn) - Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, sở hữu trí tuệ hiện đã trở thành một trong những công cụ được sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang