Kiếm tiền triệu bằng nghề bình dân

authorMinh Hoàng 10:58 03/07/2015

(VietQ.vn) - Những nghề bình dân xưa như may vá, sửa khoá, cắt tóc... đang dần được nhiều người lựa chọn vì giúp họ mang lại thu nhập khá.

Hiện nay, hầu hết vật dụng đều được sản xuất, gia công đại trà bằng máy móc. Tuy thế, người tiêu dùng có xu hướng quay trở lại chọn lựa những sản phẩm được làm thủ công. Phần lớn chúng có giá bán trên thị trường cao hơn so với sản phẩm cùng loại. Kéo theo những người làm chúng cũng có thu nhập đáng kể. 

Nghề may đo

Trước đây, cắt may thường được coi là một nghề kiếm tiền phụ, không cần bằng cấp, chủ yếu giành cho chị em phụ nữ. Để kiếm thêm, người làm nghề này còn nhận phụ việc sửa khóa, tháo chỉ... mỗi lần chỉ thu được vài đồng lẻ. Do thu nhập tương đối thấp nên nhiều người đã bỏ việc đi buôn bán hoặc làm nghề khác. 

Thế nhưng gần đây, thời trang cắt may lại được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Các sản phẩm may đo chuyên nghiệp có giá cao hơn hẳn so với hàng may công nghiệp. Nhiều thợ lành nghề nhận may cả năm không hết việc. Cùng đó, các trung tâm dạy cắt may ra đời. Học phí mỗi khóa học lên đến cả vài chục triệu đồng.  

Chị Nguyễn Thị Thanh, một nhân viên văn phòng bỏ nghề, tham gia khóa học cắt may được nửa tháng tại một trung tâm ở Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thời trang may đo ngày càng được ưa chuộng. Vừa học vừa nhận làm cho khách, chị Thanh đã có thu nhập tới 7 triệu một tháng. Số tiền này bằng học phí  một khóa cắt may trong 3 tháng và cao hơn 2 triệu đồng so với thu nhập công việc cũ, lại không gò bó về thời gian. 

Kiếm tiền triệu với nghề bình dân

Nghề cắt tóc

Người hành nghề này không cần bằng cấp và không có hàng quán cố định. Họ thường đặt đồ nghề và làm ở dưới tán cây trên các nẻo đường. Vật dụng đơn giản, chỉ có một gương, ghế, vài ba chiếc kéo, lược và dao tem. Sau vài ba phút thể hiện tay nghề, người thợ nhận được từ 1.000 đến 5.000 đồng một khách. 

Đấy là những hình ảnh quen thuộc một thời từng gắn liền với nghề cắt tóc. Thế nhưng, ngày nay, những người muốn hành nghề này phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để tham gia các khóa học. Muốn thành công, ngoài có tay nghề, thợ cắt tóc phải có uy tín và một showroom hoành tráng. 

Nghề cắt tóc trở nên "vip" hơn bao giờ hết. Trên khắp các ngóc ngách, đường phố, tiệm cắt tóc mọc lên như nấm sau mưa. Tuy thế, nhu cầu làm đẹp của mọi người ngày càng được coi trọng. Nhiều người chấp nhận bỏ tiền triệu để trả công cho người thợ làm một kiểu đầu ưng ý. Vì thế, dù mật độ khách không đều giữa mùa hè và mùa đông, nhưng thu nhập của thợ cắt tóc không dưới 10 triệu đồng một tháng. 

Anh Nguyễn Thanh Minh, thợ cắt tóc lâu năm ở Nam Từ Liêm tiết lộ, mỗi ngày, anh chỉ cần một khách Vip là có lời. "Khách Vip là người có nhu cầu sử dụng nhiều gói sản phẩm cùng lúc như cắt tóc, gội đầu, nhuộm, tạo kiểu và rửa-đắp, mát xa mặt. Số tiền họ phải trả dao động khoảng 1 đến 2 triệu đồng, tùy từng loại tóc ngắn dài. Trừ các chi phí 400.000 đồng tiền nguyên liệu, phụ kiện; 300.000 đồng tiền thuê nhà, điện nước, tôi còn thu về được 300.000 đến 1 triệu đồng", anh tính toán. Người thợ này cũng cho biết, thông thường một ngày, tiệm có ít nhất 1 khách Vip tới làm đầu. 

Nghề sửa khoá

Trước đây, nghề sửa khóa thường được kết hợp với nghề sửa xe đạp, xe máy và bơm vá. Người thợ không cần bằng cấp và làm việc rong ruổi trên ven đường. Tuy phải chịu nắng nôi, vất vả nhưng người làm nghề này có thu nhập tương đối thấp. 

Tuy nhiên thời nay, phương tiện đi lại phát triển, nhiều vật dụng ra đời cần sử dụng đến khoá. Nghề sửa khóa cũng mang lại thu nhập khá. 

Dọc trên các đoạn đường Hà Nội, TP HCM rất đông người làm nghề này. Nhiều người còn mở hẳn tiệm với mặt bằng khá rộng rãi hoặc nhận sửa tận nhà. Ngoài sửa khoá xe đạp, xe máy người thợ còn nhận sửa khóa ô tô, khóa nhà và két sắt... Việc sửa cũng chỉ mất khoảng 15-20 phút. Mỗi lần sửa, người thợ nhận được 250.000 đồng đến 1 triệu đồng. Cũng vì thế, nhiều người đổ xô đi làm nghề này. 

Anh Trọng Nghĩa, làm nghề này 30 năm cho biết, mức thu nhập của người thợ phụ thuộc vào thâm niên. Nếu tháo gỡ được những ca khó, họ có thể kiếm được vài triệu đồng chỉ trong một thời gian ngắn. Hiện tại, anh Nghĩa còn mở trung tâm dạy nghề với mức học phí dao động 5-15 triệu đồng. Theo anh Nghĩa, sửa khóa là một nghề nhạy cảm vì thế các học viên anh nhận thường phải là người có tâm trong sáng. 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang