Kiểm tra chất lượng, an toàn hàng hóa nhập khẩu: Cải cách tạo thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp

author 06:07 14/10/2020

(VietQ.vn) - Sáng nay 13/10, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp về Dự thảo Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn với hàng hóa nhập khẩu”.

Đề án nhằm cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu. 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 do WB công bố tháng 10/2019, các điểm số chỉ số thành phần, chi phí xuất nhập khẩu giao dịch thương mại qua biên giới không có thay đổi lớn so với các năm trước, tuy nhiên, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam giảm 4 bậc (từ vị trí só 100 xuống vị trí 104/190 nước); chỉ số chung về môi trường kinh doanh giảm 1 bậc (từ vị trí số 69 lên vị trí 70/190 nước), vẫn đứng thứ 5 trong 10 nước ASEAN.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận giao Bộ Tài chính là cơ quan trực tiếp xây dựng đề án và cơ quan hải quan là cơ quan duy nhất, đầu mối kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Do đó, cần có giải pháp cụ thể, đặc biệt là các giải pháp triển khai các Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ cũng đã quyết định phải cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ.

Do đó, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận giao Bộ Tài chính là cơ quan trực tiếp xây dựng đề án về kiểm tra chất lượng lượng an toàn thực phẩm tại cửa khẩu, theo hướng cơ quan hải quan là cơ quan duy nhất, đầu mối kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các bộ kiểm tra chuyên ngành theo hướng hậu kiểm.

Về cơ sở pháp lý, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, phải xem xét các văn bản quy phạm pháp luật, những nội dung liên quan đến các luật, thì phải báo cáo Quốc hội. Những vấn đề liên quan đến Chính phủ thì báo cáo Chính phủ. Lộ trình thực hiện sẽ tách ra theo từng giai đoạn, nếu thuộc phạm vi chức năng của Chính phủ thì làm trước; còn các phạm vi thuộc các luật, thì báo cáo Quốc hội để trình 1 luật sửa nhiều luật.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để tạo dư địa tăng trưởng, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính và các bộ liên quan, trao đổi, thảo luận về các vấn đề có liên quan, đặc biệt là có chồng chéo hay không.

Nhắc đến công tác kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao kết quả thời gian qua. Năm 2018 đã có cuộc cách mạng mạnh mẽ, có gần 12 triệu hồ sơ xuất nhập khẩu; trong đó có: 5,3 triệu hồ sơ xuất khẩu giảm từ 58 giờ xuống 55 giờ; 57 triệu hồ sơ nhập khẩu, giảm từ 62 xuống 56 giờ, giảm cả thời gian hàng hóa xuất nhập khẩu, trên 34 triệu giờ; tiết kiệm tương đương 49 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng, qua 10 tháng, trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, từ 8 dịch vụ công trực tuyến đến nay đã có 1.598 dịch vụ công với 70,6 triệu người truy cập, 18,9 nghìn hồ sơ đồng bộ trên Cổng. Nhiều thủ tục được kết nối ở cấp độ 3, 4; kết nối 40/46 ngân hàng tại Việt Nam, là cơ sở quan trọng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.

“Mong rằng bước tiến đó, các vấn đề liên quan đến hải quan tiếp tục được cải thiện, tạo sự thông thoáng, minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Tinh thần tham gia cải cách nếu làm tốt, dư địa tăng trưởng của chúng ta rất thuận lợi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói thêm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh mục tiêu của đề án nhằm cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh đề án gồm 7 nội dung cải cách lớn: Cơ quan Hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu;

Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra gồm: Kiểm tra chặt; Kiểm tra thông thường; Kiểm tra giảm.

Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Áp dụng kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra (chuyển đổi phương thức kiểm tra từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm áp dụng đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu).

Áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp.

Mở rộng đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, với dự kiến bổ sung 18 nhóm đối tượng để giảm chi phí quản lý nhà nước và chi phí của doanh nghiệp.

Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong Mô hình mới để cắt giảm thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan.

Tại cuộc họp, các đại biểu đến từ các bộ ngành, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức sẽ cùng tham gia trao đổi, thảo luận về Đề án; đồng thời tham vấn các đơn vị báo chí, truyền thông.

Tăng cường thanh, kiểm tra chất lượng hàng hóa từ nhập khẩu đến lưu thông (VietQ.vn) - Bộ KH&CN yêu cầu các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, về đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngay từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến lưu thông trên thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu hoặc có ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang