Kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Hà Nội

author 10:01 12/04/2021

(VietQ.vn) - Từ ngày 15/5/2021 đến 15/10/2021, UBND thành phố Hà Nội sẽ kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.

Đối tượng kiểm tra bao gồm các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã; cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn thành phố; 100% UBND cấp xã và lựa chọn một số cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn.

Nội dung kiểm tra xoay quanh công tác triển khai, thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành. Việc thực hiện trách nhiệm của UBND các cấp theo quy định tại khoản 4 Điều 58 Luật Phòng cháy và chữa cháy và Điều 52 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ.

Việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức theo khoản 2 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị của các Đoàn Thanh tra, kiểm tra (nếu có); về công tác tổ chức thường trực sẵn sàng “bốn tại chỗ” về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; việc thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.

UBND thành phố giao Công an thành phố là cơ quan Thường trực, tham mưu thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành cấp thành phố. UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra; thành lập đoàn kiểm tra cấp huyện…

UBND thành phố cũng thành lập Đoàn kiểm tra cấp thành phố, do Phó Chủ tịch Thường Trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn làm Trưởng đoàn. Cùng với đó, thành lập 30 đoàn kiểm tra cấp huyện và giao UBND cấp huyện thành lập mỗi đơn vị 1 đoàn kiểm tra liên ngành (đối tượng, thời gian kiểm tra do đồng chí Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định).

Hiện trường vụ cháy xảy ra tại số nhà 311 phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội). Ảnh: An ninh Thủ đô

Liên quan tới công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), trong quý I/2021, trên toàn quốc xảy ra 627 vụ cháy nhà dân, chiếm 36,34% tổng số vụ cháy. Đã xảy ra các vụ cháy tại khu vực dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh với đặc điểm chủ yếu của các công trình là dạng nhà ống liên kế có thể kết hợp vừa để ở, vừa sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ.

Hầu hết tại các vụ cháy này sự thiệt hại về tài sản không lớn nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng về người; điển hình như vụ cháy nhà dân ngày 30/3/2021 tại số nhà 899 Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) làm chết 6 người và 1 người bị thương; vụ cháy ngày 25/3/2021 tại hẻm 45 đường Cao Lỗ, Phường 4, Quận 8, TP Hồ Chí Minh, làm chết 3 người.

Trước những ẩn họa từ lửa rình rập các khu dân cư, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy, chuyên gia về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của Công an thành phố Hà Nội, phân tích: Từ khi xuất hiện đám cháy cho đến khi bùng phát hỏa hoạn lớn chỉ tính bằng phút, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh hàng hóa dễ cháy. Trong khi đó, khoảng cách giữa nơi xảy ra cháy và nơi lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy xuất xe gần nhất cũng phải mất ít nhất 10 phút mới tới nơi nếu không bị tắc đường.

“Phát hiện sớm và xử lý hiệu quả các vụ cháy thì trước hết phải từ ý thức phòng cháy, chữa cháy của mỗi người dân”, Đại tá Nguyễn Trường Sơn cảnh báo.

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) nhấn mạnh: Các hộ dân đang ở trong những ngôi nhà có dạng “không lối thoát” như trong hai vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nêu trên phải rút ra bài học cảnh tỉnh. Mỗi căn nhà phải có ít nhất hai lối thoát nạn. Các hộ gia đình phải lưu ý, sắp xếp hàng hóa đồ đạc thế nào để không ảnh hưởng đến lối đi, lối thoát nạn của căn hộ. Người dân cũng cần phải giả định các tình huống cháy nổ trong gia đình để khi xảy ra cháy thì chủ động trong các tình huống. Ví dụ như với các nhà có tầng cao thì có phương án thoát ra bên ngoài từ ban công và từ đó, lực lượng chức năng có thể tiếp cận cứu sống được.

Bảo An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang