Kiện Dầu khí Hải dương Trung Quốc: Sao không?

author 14:29 15/05/2014

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, trong vụ việc giàn khoan HD 981 xâm lấn trái phép, những bên liên quan có thể tiến hành kiện dân sự đối với Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc.

Ít nhất có thể tiến hành 2 vụ kiện

Mới đây, khi trao đổi với báo chí về những bước giải quyết tiếp theo của Việt Nam, Luật sư Lê Thanh Sơn (Liên đoàn LS Việt Nam) cho biết, hiện nay trong quá trình giải quyết tranh chấp, Việt Nam mới chỉ dừng lại ở phát biểu của Thủ tướng, chúng ta còn có thể gửi công hàm đến Tổng thư ký Liên hợp quốc, yêu cầu đưa vấn đề ra giải quyết

Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý chứng tỏ giàn khoan HD 981 xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của mình

Tại cấp thấp hơn, Luật sư Sơn cũng gợi ý các bên liên quan cần tiến hành khởi kiện các vụ kiện dân sự. Theo đó Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam có thể kiện nhưng không phải kiện Nhà nước Trung Quốc mà kiện Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc. Hội nghề cá Việt Nam cũng có thể khởi kiện Tổng công ty này bởi đã gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh, sản xuất tại vùng biển đặc quyền của Việt Nam.

“Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý chứng tỏ hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc khị họ cho đặt giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những vụ kiện này đều có thể thực hiện theo pháp luật Việt Nam và chính tòa án Việt Nam sẽ xét xử. Đây sẽ là cơ hội tốt để tập hợp tư liệu và cơ sở pháp lý về một mối. Đó là chính bước chuẩn bị đầu tiên để kiện cấp chính phủ sau này nếu có”, luật sư Sơn nói.

Về nội dung kiện, Luật sư Lê Thanh Sơn cho rằng Việt Nam cần phải học hỏi kinh nghiệm của  Philippines. “Khi kiện Trung Quốc, Philippines rất khôn khéo, né được tất cả những điểm có thể bất lợi bằng cách chọn vấn đề để kiện. Theo đó, Philippines không kiện về tranh chấp mà kiện về việc TQ cố tình hiểu sai, giải thích sai, áp dụng sai các quy định của Công ước Luật biển năm 1982, từ đó dẫn đến việc TQ áp đặt đường lưỡi bò”, vị luật sư bày tỏ.

Nếu kiện thì sao?

Lãnh đạo Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, thời điểm Trung Quốc hạ giàn khoan HD 981, cũng là mùa khai thác chủ yếu của ngư dân Việt Nam. Mùa vụ cá Nam bắt đầu từ tháng tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Mùa vụ cá Bắc từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Trong đó, sản lượng cá vụ Nam chiếm 2/3 tổng sản lượng khai thác cả năm của Việt Nam.

Tàu Trung Quốc va chạm tàu Việt Nam xung quanh khu vực giàn khoan HD 981

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, đưa một số lớn tàu hộ tống ra vùng biển thuộc lãnh thổ Việt Nam, đến nay là 86 tàu, trong có tàu phóng tên lửa, máy bay liên tục quần thảo khu vực này làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình khai thác của ngư dân Việt Nam. Các tàu này không chỉ phun vòi rồng, đâm vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam  mà còn xua đuổi, cướp phá tài sản của ngư dân việt nam. Có những tàu đã thiệt hại và bị hư hỏng rất lớn.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng Chủ tịch Hội Nghề cá, hành động hạ giàn khoan trái phép của Trung Quốc không chỉ xâm phạm chiếm không gian ngư trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động đánh bắt và tính mạng của ngư dân.

“Chúng tôi cũng đã nhận được nhiều ý kiến đề nghị kiện Trung Quốc trong việc hạ giàn khoan HD, song còn đang chờ ý kiến chỉ đạo của các cơ quan quản lý ngành. Dẫu sao đây cũng là cuộc đấu tranh lâu dài, chúng ta phải kiên quyết nhưng cũng cần kiên trì tiến hành có lộ trình sao cho đạt hiệu lực, hiệu quả cao nhất”, ông Thắng nói.

Theo vị Chủ tịch Hội nghề cá, thời gian tới, Hội sẽ lấy ý kiến của tất cả các hội thành viên trên cả nước rồi tập hợp lại và ra nghị quyết xem có thực hiện vụ kiện Tổng công ty Dầu khí Hải Dương hay không?

“Nếu tiến hành kiện, Hội sẽ cần có thời gian tìm luật sư, chuẩn bị hồ sơ, tập hợp những thiệt hại về con người tàu thuyền, trữ lượng đánh bắt… Hơn nữa, lệ phí theo kiện cũng cần được cân nhắc”, ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Việt Thắng cũng không loại trừ trường hợp Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 trước khi các thủ tục kiện được hoàn tất.

Lan Hương-Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang