Kinh đô vải thiều trước 'nguy cơ' bội thu

author 09:39 22/05/2015

Mặc dù còn hơn chục ngày nữa mới đến chính vụ vải thiều, nhưng theo dự đoán của nhiều hộ trồng vải thì "vựa vải lớn nhất miền Bắc" Lục Ngạn, Bắc Giang năm nay sẽ bội thu. Điều mà họ lo lắng nhất đó là điệp khúc "được mùa - mất giá" liệu có tái diễn.

Theo ghi nhận của PV tại thôn Kép 1, xã Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang, trong những khu vườn vải mênh mông của bà con đã có lác đác nhiều cây vải chín rộ, có thể thu hoạch được. Mỗi ngày cũng có vài chuyến xe máy chở vải chín ra khỏi làng đem đi tiêu thụ, mặc dù số lượng còn ít. Theo những người dân địa phương thì đó là giống vải lai, thường chín rất sớm.

Anh Đào Quốc Trung, ở thôn Kép 1, xã Hồng Giang cho biết: Một số cây vải chín sớm của gia đình đã được thu hoạch được. Mặc dù quả vải chưa chín đỏ, mẫu mã chưa đẹp nhưng đã có người đến thu mua tại vườn với giá từ 28.000 – 30.000 đồng/kg, nếu vải chín đều thì giá cao hơn. Chỉ tính trong ngày 19/5, tôi đã bán ra khoảng hơn 1 tạ vải chín sớm, thu được trên 3 triệu đồng.

Ông Giáp Văn Vang, Trưởng thôn Kép I, xã Hồng Giang, Lục Ngạn cho biết: Dù chưa đến chính vụ vải thiều nhưng đã có nhiều gia đình trong thôn đã xuất bán vải lai chín sớm. Giá vải trung bình khoảng từ 28.000 – 30.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 8.000 – 10.000 đồng so với giá vải vụ sớm của năm ngoái. Mọi năm giá vải vào đầu mùa vụ thường có giá thấp, khoảng từ 18.000 – 20.000 đồng/kg và cuối vụ là từ 25.000 – 32.000 đồng/kg.

“Theo kinh nghiệm đánh giá của chúng tôi thì vụ vải năm nay bà con nông dân tiếp tục được mùa. Mặc dù có những thời điểm trong năm xảy ra hạn hán, nhưng ảnh hưởng không đáng kể đến sản lượng cũng như chất lượng quả vải nơi đây. So với năm ngoái thì “vựa vải” Lục Ngạn sẽ năng suất và bội thu hơn trong năm nay.”

Anh Nguyễn Văn Lưu ở thôn Kép I chia sẻ: Bà con chúng tôi đã có kinh nghiệm trồng vải truyền thống, những năm gần đây, địa phương đã áp dụng nhiều phương pháp thâm canh mới, tăng năng xuất để nâng cao hiệu quả cho cây vải. Hơn nữa, chúng tôi lại được chọn là một trong số 109 hộ thí điểm sản xuất vải sạch theo tiêu chuẩn của Global-GAP để xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu. Do nắm vững được kỹ thuật chăm sóc, đúng khoa học kỹ thuật nên hoàn toàn có thể khẳng định chất lượng vải năm nay sẽ cao hơn.

Năm nay vải tiếp tục được mùa, anh Lưu mong muốn bà con sẽ có một thị trường ổn định cho sản phẩm vải thiều.

Gia đình anh Lưu có tổng cộng hơn 2 mẫu diện tích trồng vải thiều, trong đó, có 1,5 mẫu với 250 cây đủ tiêu chuẩn tham gia thí điểm chương trình vải sạch Global - Gap. Vụ vải năm ngoái, sau khi trừ hết chi phí gia đình anh Lưu thu lại được khoảng 300 triệu đồng.

“Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn. Mọi năm thị trường chính của vải Lục Ngạn chủ yếu là Trung Quốc và miền Nam, nhưng thị trường Trung Quốc thường không ổn định. Người dân chúng tôi mong muốn được chính quyền và các doanh nghiệp tạo điều kiện tìm thị trường bền vững cho người nông dân, tránh điệp khúc “được mùa – mất giá”, bị các tiểu thương, thương lái chèn ép giá như mọi năm.”

Trao đổi với PV, ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết: Hiện nay, diện tích vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn có 16.280 ha với sản lượng dự kiến là trên 90.000 tấn. Trong đó, vải thiều thu hoạch sớm là khoảng 7.000 tấn, còn lại là vải chính vụ.

“Ngay từ đầu năm, địa phương đã khuyến cáo bà con sản xuất vải thiều theo quy trình sạch, bền vững. Trong đó, tuyên truyền các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật không nhập, buôn bán những loại thuốc nằm trong nhóm 5 hoạt chất mà Mỹ cấm, vận động bà con thay thế bằng loại thuốc bảo vệ thực vật khác. Từ đó, tạo nên thương hiệu vải thiều sạch, đạt chuẩn xuất khẩu Mỹ cho cả vùng. Công nghệ bảo quản cũng cần phải đổi mới, phù hợp với điều kiện từng thị trường như sử dụng công nghệ tế bào, SO2 thay cho cách bảo quản vải thiều bằng công nghệ đông lạnh truyền thống", ông Tấn cho biết.

Theo ông Tấn, UBND Huyện Lục Ngạn cũng đã thành lập Ban chỉ đạo để điều tiết, phân luồng và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong mùa vải tới, tránh tình trạng ùn ứ cục bộ trên các tuyến đường. Nhân dân cũng cam kết thực hiện không gian lận thương mại, đảm bảo an ninh trật tự, tạo sự thân thiện đối với các tổ chức, cá nhân người nước ngoài đến kinh doanh trên địa bàn.

Ngoài ra, huyện Lục Ngạn cũng phối hợp với các ngân hàng chuẩn bị tiền mặt để sẵn sàng cho bà con giao dịch, mua bán trong vụ mùa; làm tốt công tác đổi mới xuất, nhập cảnh để đón nhận các tổ chức, cá nhân nước ngoài đến giám sát, thu mua vải thiều.

Theo Dân trí


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang