Kinh doanh sân bóng đã lỗi thời?

author 10:05 14/11/2013

(VietQ.vn) - Để phục vụ nhu cầu của người dân, hàng loạt sân bóng đá mini đã được mọc lên ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội. Kinh doanh sân bóng đá đã trở thành một trào lưu và mang lại cho chủ sở hữu của nó khoản doanh thu không hề nhỏ. Tuy vậy, chính sự phát triển rầm rộ này đã khiến cho thị trường bão hòa, giờ đây những ông chủ sân bóng đang đối mặt với những khó khăn thực sự.

Kinh doanh hốt bạc

Được du nhập từ miền Nam ra khoảng 5 năm trước, cho thuê sân bóng đá là hình thức kinh doanh mang lại nguồn thu nhập khủng cho chủ sân. Vào thời điểm đó, nhu cầu đá bóng của người dân rất cao mà mặt bằng thì hạn chế, nhất là trong khu vực nội đô. Vì thế những người đi đầu đón lõng được nhu cầu của khách hàng đã “phất” lên nhanh chóng nhờ việc mở sân và cho thuê. Với mức giá cho thuê từ 200 – 300 nghìn đồng/trận (giờ bình thường) và 500 – 600 nghìn đồng/trận (giờ vàng từ 17h – 20h), và lượng khách khá đông, mỗi tháng anh Cao Duy Chiến (chủ sân bóng Dịch Vọng, Phạm Hùng, Cầu Giấy) thu về khoảng 300 triệu/3 sân (chưa trừ chi phí). Với số tiền đầu tư 1,5 tỷ đồng, chỉ sau 2 năm, anh đã có thể thu hồi lại vốn. Hiện tại anh mở sân bóng đã được 5 năm, và giờ chỉ còn việc ngồi “đếm tiền”.

Vắng khách là điều bình thường đối với các sân bóng hiện nay (trong ảnh là sân Mễ Trì Thượng)

Mới mở sân được 2 năm, nhưng hoạt động kinh doanh của sân bóng Sơn Trang 2 (số 1, Hoàng Minh Giám) khiến nhiều chủ sân phải thèm muốn. Với 10 sân bóng thường xuyên kín lịch, mỗi tháng doanh thu của sân lên tới 700 – 800 triệu. Chị Nguyễn Thị Hân (nhân viên sắp xếp lịch đấu) cho biết so với 2 năm trước, lượng khách có giảm đi đôi chút, song về cơ bản, sân vẫn giữ được một lượng khách quen khá đông đảo. Cùng với việc cải thiện chất lượng sân, các dịch vụ chăm sóc, ưu đãi cũng được áp dụng khiến cho sân bóng này luôn trong tình trạng đông khách.

Cùng với nhu cầu tăng lên của người dân, những thuận lợi trong việc kinh doanh đã thúc đẩy và hình thành nên trào lưu kinh doanh sân bóng. Hàng loạt các sân bóng mọc lên khắp các khu Mỹ Đình, Dịch Vọng, Nam Trung Yên, Thanh Xuân, Mễ Trì…Những năm gần đây, bất động sản rơi vào khó khăn, đất nền bỏ hoang nhiều đã tạo điều kiện cho các sân bóng mọc lên nhiều hơn nữa.

Khó khăn trăm bề

Tuy nhiên sau mấy năm phát triển nóng, thị trường kinh doanh sân bóng bắt đầu có dấu hiệu bão hòa và chững lại. Không ít sân rơi vào tình trạng vắng khách thường xuyên. “Ngày trước thì lịch đặt kín hết tuần, bây giờ chẳng những khách ít lại còn thường xuyên bị hủy lịch, chán lắm”, anh N.T.T, quản lý một sân bóng (giấu tên) ở Nam Trung Yên (Cầu Giấy) chia sẻ. Anh cho biết, do các sân bóng mở ra ngày càng nhiều nên khách hàng bị san sẻ đi, lại thêm sân ở vào vị trí không thuận lợi nên càng ít khách. Giờ sân bóng do anh quản lý chỉ còn trông chờ vào những khung giờ vàng và những khách quen, còn lại vào khung giờ bình thường cảnh tượng sân chẳng khác gì buổi chợ chiều, đìu hiu vắng khách. Nếu làm ăn thuận lợi và chưa trừ chi phí, mỗi tháng cũng chỉ thu về được 200 triệu/4 sân, đó là khoản thu khá khiêm tốn so với số tiền đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng để mở sân. “Dự tính là 2 năm có thể thu hồi vốn, nhưng với tình hình như bây giờ thì chưa biết lúc nào mới có thể làm được”, anh N.T.T thở dài.

Trong khó khăn chung, chủ sân nào biết cách cải thiện chất lượng vẫn có được lượng khách đông đảo (trong ảnh là sân Sơn Trang 2)

Đó cũng là tình trạng chung của không ít sân bóng hiện nay. Các sân như Bách Việt (đường Trần Thái Tông, Dịch Vọng, Cầu Giấy), Keang nam (Nam Trung Yên, Cầu Giấy), sân Mễ Trì Thượng (xã Mễ Trì, Từ Liêm)…đều khá vắng khách. Một nhân viên sân Bách Việt chia sẻ “Kinh doanh sân bóng bây giờ lỗi thời rồi, đều là trong chán ngoài thèm cả, làm cái biết ngay, chỉ được vài tháng là chán liền. Mấy ông mở sân bóng bây giờ, sau mấy tháng có mà khóc bằng tiếng Mán…”

Để giữ hoạt động kinh doanh được ổn định, các chủ sân bóng đã và đang áp dụng nhiều biện pháp như quảng cáo sân, hạ giá thuê sân, có ưu đãi hoặc chương trình chăm sóc đối với những khách hàng lâu năm, thậm chí ở sân Mễ Trì Thượng(nằm trên đại lộ Thăng Long), chủ sân bóng còn tận dụng phần đất thừa để…nuôi gà!

Vướng mắc lớn nhất của các chủ sân bây giờ là sự xuống cấp của mặt sân. Sân bóng mini được trải cỏ nhân tạo, sau vài năm sử dụng, mặt sân bị tã, trơn trượt nên khách hàng ít ưa chuộng, ít lui tới. Nhưng muốn cải tạo sân thì phải mất ít nhất 200 triệu/sân để trải cỏ mới. Trong hoàn cảnh khó khăn, việc thu hồi vốn còn đang phải đau đầu thì không ai dám mạo hiểm đổ tiền vào để cải tạo sân. Thành thử các chủ sân rơi vào thế “bỏ thì thương mà vương thì tội”, tình hình kinh doanh vì thế đã khó lại càng khó hơn.

Mặt khác, phần lớn các sân bóng đều được thuê lại từ đất dự án, chủ sân luôn lo lắng việc đất sử dụng sai mục đích sẽ bị thu hồi. Trong trường hợp đó, người thiệt sẽ là chủ sân bởi trong hợp đồng thuê đất, bao giờ cũng có câu “cho thuê từ ngày…đến ngày…trừ trường hợp có công văn thu hồi của Nhà nước”.

“Họ (chủ đất) luôn nắm đằng chuôi, còn mình thì nắm đằng lưỡi, chẳng may bị thu hồi thì phải chịu mất, chẳng khác gì đánh bạc”, anh N.T.T ngán ngẩm. Hơn nữa việc kinh doanh “chui” như vậy lại khiến các sân không dám quảng cáo rầm rộ, lượng khách vốn đã bị san sẻ lại càng ít đi trông thấy.

Tuy vậy, vẫn có không ít các chủ đầu tư đổ tiền vào mở sân. Ngay tại đường Nguyễn Chánh, Nam Trung Yên, sân Trang Anh đang được trải cỏ. Anh Trần Xuân An (35 tuổi, điều hành viên) dự tính sẽ thu về khoảng 400 triệu/tháng/4 sân. Là người nung nấu ý định kinh doanh sân bóng, anh Đào Duy Anh (Hà Nội) lý giải, các sân vắng thường là sân cũ, chủ sân không chịu cải tạo sân nên khách thường bỏ sang sân mới để đá mà giá cũng suýt soát nhau. Nếu mở sân ở nơi có vị trí đẹp, đông dân cư, ở gần các trường đại học chẳng hạn thì bao giờ cũng đông khách. Điều đó cũng lý giải vì sao các sân như Thủy Lợi, Bách Khoa bao giờ cũng kín lịch. “Kinh doanh phải lựa thời và lựa chỗ đắc địa thì mới thắng, còn nếu chạy theo xu thế chung, phá sản là chuyện đương nhiên”, anh Đào Duy Anh kết luận.

Lê Hải

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang