Kinh doanh thời Covid, DN cần tăng cường ứng dụng TMĐT, nhận diện trên mạng xã hội

author 16:48 16/07/2021

(VietQ.vn) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành đồ uống nói riêng. Để vượt qua bão dịch, thực hiện được mục tiêu kép, doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh phù hợp, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, nhận diện trên mạng xã hội...

Đây là ý kiến được các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến "Kinh doanh thời Covid-19, thực trạng và giải pháp" do Tạp chí Đồ uống Việt Nam tổ chức ngày 16/7/2021. Buổi tọa đàm được kết nối với gần 30 điểm cầu ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố.

Kinh doanh thời Covid, doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng TMĐT, nhận diện trên mạng xã hội

 

Trong nửa đầu năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành đồ uống Việt Nam nói riêng. Đợt dịch lần thứ tư bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã lan ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, một số địa phương ở Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Tại Hà Nội, hàng ngày vẫn có ca nhiễm mới ở khu cách ly.

Tại buổi tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp đồ uống cho biết, thông thường mùa hè là thời điểm tiêu thụ chính của sản phẩm đồ uống. Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành đồ uống và nhà hàng gặp rất nhiều khó khăn. Sản lượng đồ uống tiêu thụ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, người lao động ở các nhà hàng bị mất việc làm, ảnh hưởng lớn tới đời sống của người lao động ở khu vực kinh doanh dịch vụ...

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Vũ Đức Nam- Phó trưởng phòng Công nghiệp Thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, ngành đồ uống tuy không bị ảnh thưởng bởi đứt gãy nguồn cung nhưng lại chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường tiêu thụ bởi dịch bệnh. 

Để đảm bảo an toàn cho sản xuất, doanh nghiệp phải xây dựng kịch bản và các giải pháp ứng phó. Các cơ sở sản xuất phải chủ động cập nhật lên bản đồ chung sống với Covid-19. Đặc biệt, doanh nghiệp cần năng động phát triển sản phẩm theo xu hướng phù hợp tình hình hiện nay, đồng thời, tăng cường thực hiện bán hàng online.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh dịch bệnh chưa biết lúc nào mới chấm dứt như hiện nay, doanh nghiệp cần chủ động tiêm vaccine để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ công nhân viên, duy trì lực lượng lao động.

Hơn nữa, từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, hành vi mua sắm của người tiêu dùng có sự thay đổi mạnh mẽ khi nhanh chóng chuyển từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến, sử dụng các mạng xã hội rất nhiều. Do vậy, doanh nghiệp nên tăng cường quảng bá sản phẩm, tiếp thị và gia tăng thương hiệu cho nhãn hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là tăng cường nhận diện trên mạng xã hội; đồng thời có các chương trình tặng quà, khuyến mãi phù hợp trong mùa dịch...

Nhận định dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành đồ uống Việt Nam nói riêng, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA)- ông Nguyễn Văn Việt cho biết, sản lượng đồ uống tiêu thụ sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 và 2020.

Khẳng định ngành đồ uống đóng góp lớn vào phát triển kinh tế xã hội với trên 60 ngàn tỷ đồng nộp ngân sách hàng năm, ông Nguyễn Văn Việt chia sẻ, Hiệp hội VBA sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối tiếp thu những ý kiến của doanh nghiệp để báo cáo cơ quan quản lý có giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời; đồng thời bày tỏ mong muốn, chính sách liên quan đến ngành đồ uống cần ổn định và phù hợp với tình hình thực tế giúp doanh nghiệp có thể vượt qua đại dịch, tiếp tục đóng góp lớn cho ngân sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

"Để cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp đồ uống nói riêng thực hiện được mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế, điều cần thiết là doanh nghiệp phải thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, chủ động tiêm vaccine cho người lao động, thực hiện tốt quy tắc 5K, đồng thời đưa ra chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn trong mùa dịch và sau dịch Covid-19.

Còn với người tiêu dùng hãy là người tiêu dùng thông minh, thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch, sử dụng đồ uống có văn hóa, có trách nhiệm, đã uống rượu bia thì không lái xe... Đây chính là thông điệp của tọa đàm “Kinh doanh thời Covid-19, thực trạng và giải pháp”- ông Nguyễn Văn Chương- Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Đồ uống Việt Nam nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang