Kinh phí làm sách giáo khoa: Nói rõ để người dân hiểu cho đúng

author 15:19 30/09/2014

(VietQ.vn) - Theo ông Đỗ Ngọc Thống, Thường trực ban chỉ đạo đổi mới sách giáo khoa (SGK) thì kinh phí làm một bộ SGK chỉ hơn 321 tỷ đồng, đã được Bộ Tài chính thẩm định.

Hiện nay, sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ GD-ĐT về đề án làm chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới, đã có nhiều luồng dư luận hiểu chưa chuẩn xác về kinh phí làm chương trình.

Trưa ngày 30/9, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - phó Vụ trưởng vụ Trung học, Thường trực ban chỉ đạo đổi mới chương trình và SGK - đã trả lời phỏng vấn của Chất lượng Việt Nam về vấn đề kinh phí làm SGK.

Kinh phí làm sách giáo khoa chỉ bằng vài km đường cao tốc, chưa bằng 3 nhịp đường sắt trên cao. Trong ảnh là PGS.TS Đỗ Ngọc Thống. Ảnh: Việt Dũng

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống. Ảnh: Việt Dũng

* Thưa ông, kinh phí 462 tỷ trong đề án đang khiến nhiều người cho rằng, đó là để chi cho các tác giả viết SGK. Điều đó có đúng không? Nếu không thì kinh phí chi cho các tác giả viết SGK chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm con số đó?

- Không phải, đó là toàn bộ nhiều công việc, bao gồm:

- Tổ chức tập huấn cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa (bao gồm cả lực lượng biên soạn sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn sách giáo khoa)

- Tổ chức xây dựng, thẩm định chương trình

- Tổ chức biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới

- Tổ chức thẩm định sách giáo khoa (dự kiến 04 bộ)

- Tổ chức nghiên cứu mô hình sách giáo khoa điện tử để từng bước biên soạn, thực nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện

- Tổ chức đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình

Riêng biên soạn một bộ SGK chiếm : 321,6 tỷ đồng, bao gồm:

+ Tổ chức biên soạn bộ đề cương sách giáo khoa (tổ chức trại viết, thù lao tác giả, thực nghiệm, trưng cầu ý kiến, thẩm định; tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa, phê duyệt): 34 tỷ đồng.

+ Tổ chức biên soạn 1 bộ sách giáo khoa (tổ chức trại viết, thù lao tác giả, thực nghiệm, trưng cầu ý kiến, thẩm định; tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa, biên tập, thẩm định, phê duyệt): 287,6 tỷ đồng. Đây chính là tiền cho tác giả SGK từ lớp 1- lớp 12 của tất cả các môn học và các hoạt động giáo dục.

Toàn bộ dự toán trên đã được Bộ Tài chính thẩm định ( Công văn số 13456/BTC-HCSN ngày 24/9/2014)

Hiện nay, tổng số giáo viên phổ thông cả nước là bao nhiêu? Phải chăng, với lượng đông đảo giáo viên như thế nên kinh phí tập huấn (kể cả trực tuyến) cũng rất lớn?

- Tổng số giáo viên cả nước từ tiểu học đến THPT khoảng: 850.000 người, nếu kể cả mầm non và nhà trẻ thì khoảng hơn 1 triệu (số liệu năm 2014)

Bộ GD&ĐT đổi mới cách bồi dưỡng, chủ yếu là qua mạng internet vận dụng công nghệ thông tin truyền thông ( ICT) nên kinh phí sẽ giảm được khá nhiều; chủ yếu là tiền chi cho việc quay băng hình các bài giảng minh họa cho chương trình và SGK mới.

 Sau khi biên soạn SGK thì hội đồng đánh giá có độc lập với những người viết sách?

- Hội đồng thầm định quốc gia cả chương trình và SGK sẽ được thành lập không phải toàn bộ các thành viên là của Bộ GD-ĐT mà đại diện cho các nhà khoa học sư phạm học từ nhiều nơi khác nhau; Bộ GD-ĐT chỉ là cơ quan tổ chức.

Hội đồng này hoàn toàn độc lập với các tác giả chương trình và SGK; nghĩa là tác giả chương trình và SGK không thể có mặt trong Hội đồng thẩm định quốc gia chương trình và SGK.

Xin ông cho biết những điểm mới dự kiến trong bộ SGK mới?

- SGK được biên soạn theo quan điểm của từng nhóm tác giả. Bộ GD&ĐT chỉ nêu lên những tiêu chí, tiêu chuẩn chung mà bộ SGK nào cũng phải tuân thủ; còn cách thiết kế, trình bày ND và hình thức cụ thể thì tùy vào từng bộ sách.

Vì thế điểm mới của sách giáo khoa chỉ có thể nói là sẽ phụ thuộc vào những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông sắp xây dựng. Có một số điểm mới đáng lưu ý như:

  + Sách của những môn học tích hợp như: Cuốn sống quanh ta, Giáo dục lối sống ( tiểu học); khoa học xã hội, khoa học tự nhiên… sẽ phải khác sách theo từng môn riêng

 + Sách viết theo mục tiêu và yêu cầu hình thành và phát triển năng lực sẽ phải khác với SGK truyền thống.

 + Sách nhằm giúp học sinh tự học, hình thành phương pháp học, phát huy tính chủ động, sáng tạo… phải khác sách giáo khoa cũ...

Ngành giáo dục luôn được sự quan tâm "đặc biệt" của người dân. Năm ngoái, ông là người đã khởi xướng đổi mới cách ra đề môn Văn học, với những câu hỏi đọc - hiểu. Báo chí lúc đó đã viết nhiều bài phản đối. Nhưng sau khi thi xong, dư luận lại ủng hộ cách ra đề như vậy. Ông có buồn khi những đổi mới của ngành Giáo dục luôn gặp "lực cản" như vậy?

- Việc dư luận rộng rãi chưa hiểu hoặc không hiểu những đổi mới của ngành giáo dục là chuyện bình thường. Và cũng không nên yêu cầu tất cả phải hiểu ngay, hiểu đúng những gì ngành giáo dục đang đổi mới. Vì vậy không nên phàn nàn, trách cứ dư luận.

Chỉ nên tự trách là tại sao mình (ngành giáo dục) chưa làm được cho dư luận hiểu đúng mà thôi. Tất nhiên trừ những ý kiến cố tình không hiểu hoặc hiểu sai thì đành chịu. Vì thế tôi không thấy buồn gì cả. Điều quan trọng là mình cố gắng lắng nghe để chọn lọc lấy những gì dư luận góp ý hợp lý và làm cho tốt công việc mình được giao !

Xin cảm ơn PGS.TS Đỗ Ngọc Thống !

Hoàng Tuân (thực hiện)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang