Kinh phí phòng chống cúm A/H7N9: Tự lo!

author 06:03 08/05/2013

Trong khi Bộ Y tế xây dựng 4 kịch bản đối phó dịch cúm A/H7N9 với kinh phí lên đến gần 115 triệu USD thì các tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam cần tận dụng các nguồn lực về kinh phí hiện có.

Tại hội nghị huy động nguồn lực cho công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 ở Việt Nam tổ chức ở Hà Nội ngày 6-5, Bộ Y tế đã đề nghị khoản kinh phí cần có để triển khai 4 phương án phòng chống dịch cúm A/H7N9 là 114,783 triệu USD; trong đó có 36,356 triệu USD là nguồn kinh phí đầu tư của Chính phủ, còn lại 78,427 triệu USD cần quốc tế hỗ trợ.

Tuy nhiên, đại diện của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng để có tiền ngay cho việc phòng chống dịch cúm H7N9 thì Việt Nam cần phải dựa vào nguồn lực hiện nay đang có của các dự án mà Ngân hàng Thế giới đã và đang triển khai ở nước ta trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp. Cụ thể, Việt Nam có thể sử dụng nguồn kinh phí còn kết dư của các dự án này để chuyển đổi sang công tác phòng, chống cúm A/H7N9.

Việt Nam phải “tự lo” chống cúm A/H7N9. Trong ảnh: Giết mổ gia cầm chưa qua kiểm dịch ở Hà Nội. Ảnh: NGỌC DUNG
Việt Nam phải “tự lo” chống cúm A/H7N9. Trong ảnh: Giết mổ gia cầm chưa qua kiểm dịch ở Hà Nội. Ảnh: NGỌC DUNG

“Không đủ tiền, hiệu quả sẽ không như mong muốn”

Trao đổi với phóng viên ngày 7-5 về khoản kinh phí quá lớn mà Bộ Y tế đề xuất cho phòng chống cúm A/H7N9, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết trong quá trình xây dựng kế hoạch này, bộ đã họp bàn với các tổ chức quốc tế và các bộ, ngành liên quan. Khoản tiền gần 115 triệu USD được xây dựng cho 4 phương án phòng chống cúm A/H7N9. Theo đó, phương án 1 là khi dịch chưa xuất hiện tại Việt Nam với khoản kinh phí đề nghị trên 17 triệu USD. Các tình huống 2, 3, 4 (dịch xuất hiện tại Việt Nam, lây từ người sang người ở quy mô nhỏ hoặc lây từ người sang người ở quy mô rộng) thì kinh phí đề xuất lên tới trên 97,7 triệu USD. “Để phòng chống dịch bệnh thì phải có tiền nhưng trong trường hợp không có đủ tiền thì vẫn phải chống dịch nhưng chắc chắn hiệu quả sẽ không được như mong muốn” - đại diện Cục Y tế dự phòng nói.

Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết việc đầu tư máy móc, các trang biết bị, đào tạo nhân lực để chống cúm rất tốn kém. “Nếu dịch cúm A/H7N9 xuất hiện, Việt Nam có thể phải chi phí nhiều hơn khoản tiền đã đề xuất” - ông Kính khẳng định.

Đừng trông chờ tài trợ!

Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, các tổ chức quốc tế cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nhưng họ chỉ xem việc hỗ trợ kinh phí khi dịch cúm A/H7N9 đã xâm nhập Việt Nam, còn như hiện nay thì nước ta phải tự lo. “Thời gian qua, các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ rất tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải chủ động, thể hiện quyết tâm cao và không phụ thuộc để phòng chống dịch bệnh” - ông Tám nói.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết hiện chưa nhận được đề xuất cụ thể nào từ Bộ NN-PTNT về kinh phí cho kịch bản phòng chống dịch cúm A/H7N9. “Nếu Bộ NN-PTNT có nhu cầu về kinh phí thì bộ phải có đề xuất chính thức và Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét thì mới có thể bổ sung kinh phí được” - đại diện Bộ Tài chính nói.

Tuy nhiên, ông Vũ Văn Tám cho biết hiện Bộ NN-PTNT đã chủ động sử dụng những nguồn kinh phí từ các dự án khác để lồng ghép vào triển khai công tác phòng dịch cúm A/H7N9 như tăng cường kiểm nghiệm các mẫu gia cầm (cả mẫu cũ trước đây và mẫu mới lấy) để tiến hành xét nghiệm tìm virus H7N9.

Sắp công bố hết dịch trên chim yến

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết cơ quan thú y cũng như tỉnh Ninh Thuận đang tiếp tục giám sát đối với đàn chim yến tại rạp Thanh Bình và hiện không còn phát sinh chim yến bệnh, các mẫu xét nghiệm không phát hiện chim yến bị nhiễm H5N1 nữa. “Dự kiến ngày 10-5 sẽ công bố hết dịch cúm gia cầm trên đàn chim yến tại rạp Thanh Bình” - ông Tám nói.

Theo Văn Duẩn – Ngọc Dung/NLĐ Online  

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang