Kinh tế khó khăn, “đại gia” dè chừng hàng siêu kỹ

author 07:38 08/10/2013

(VietQ.vn) - Theo các đơn vị sản xuất, thời gian trước các loại sập gụ tủ chè, tranh ảnh khảm trai, ốc tinh xảo có giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng vẫn thường xuyên có “đại gia” đến đặt hàng, mua hàng còn nếu bán buôn cho đại lý thì sức tiêu thụ cũng nhanh. Thế nhưng kinh tế ngày càng khó khăn, “đại gia” dè chừng hơn với túi tiền của mình, đó là lý do khiến tình hình buôn bán các mặt hàng kỹ nghệ tinh xảo rơi vào tình cảnh ế ẩm.

Sự kiện: Đại gia tỷ phú

Đầu ra thu hẹp

 

Có từ thời Lý, trải qua nhiều sóng gió thăng trầm, nghề khảm trai ở Chuyên Mỹ (Phú Xuyên, Hà Nội) tiếp tục được lưu truyền và phát triển. Bên cạnh các loại sập gụ tủ chè phổ thông được chạm khắc đơn giản thì các đơn vị sản xuất ở đây còn chế tạo các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo (hàng siêu kỹ), chuyên phục vụ cho nhu cầu của những “đại gia”, “dân chơi” trong nước am hiểu nghệ thuật khảm trai hoặc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

 

Khảm trai, ốc rất công phu, tỉ mỉ, với các mặt hàng siêu kỹ thì thời gian còn lâu hơn gấp bội, đó là lý do tại sao những sản phẩm tinh xảo có giá không hề rẻ. Sập gụ, tủ chè khảm ốc có giá tới 100 – 500 triệu đồng tùy theo chất liệu khảm, tủ chè gỗ trắc khảm ốc đỏ từ 80 - 200 triệu đồng.

 

Kinh tế khó khăn nên đầu ra cho những sản phẩm siêu kỹ có giá hàng trăm triệu cũng bị thu hẹp 

 

Chị Lương Ánh Tuyết (33 tuổi, thôn Thượng, Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, HN), chủ một xưởng sản xuất các mặt hàng khảm trai cho biết, nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm có giá bình dân thường dễ kiếm, ốc non, các chi tiết không yêu cầu quá tỉ mỉ, chính xác. Với các sản phẩm kỹ nghệ tinh xảo, có giá 100 – 300 triệu đồng thì ốc bắt buộc phải là ốc già, vỏ ốc có màu vàng chanh hoặc đỏ lửa, công đoạn hoàn thành cũng yêu cầu cao hơn, vết cắt phải thật nét, đường tỉa, chạm tinh tế, có hồn. Thậm chí, có những sản phẩm để làm ra phải nhập nguyên liệu vỏ ốc từ nước ngoài như  Hongkong, Singapore, Indonesia… nên giá thành sản phẩm còn đội lên cao hơn.

 

Để làm ra một sản phẩm siêu kỹ tốn rất nhiều chi phí, thời gian

 

Mấy năm trước, khi mà kinh tế còn khởi sắc, việc buôn bán những sản phẩm siêu kỹ này khá thuận lợi, ngoài việc cung cấp cho các đại lý bán buôn, thỉnh thoảng còn có nhiều khách hàng tới tận cơ sở sản xuất của chị để đặt mẫu. Thời gian gần đây, kinh tế ngày càng khó khăn nên lượng đơn hàng siêu kỹ ít đi, đại lý nhập hàng cũng than thở rằng hàng bán chậm. “Các mặt hàng phổ thông giá bình dân vẫn bán đều nhưng hàng siêu kỹ thì chậm hơn hẳn. Làm ra một sản phẩm siêu kỹ tốn nhiều chi phí và thời gian nên khó có thể hạ được giá thành, chúng tôi đành nâng cao thêm chất lượng bằng cách tăng lượng nguyên liệu ốc trong sản phẩm với hy vọng kích cầu nhưng xem ra tình hình vẫn không khả quan hơn là mấy”, chị Tuyết chia sẻ.

 

Theo anh Vũ Văn Ca, chồng chị Tuyết một chiếc sập tinh xảo có giá 200 triệu đồng thì đã phải chi tới 150 triệu tiền mộc và tiền ốc nguyên liệu, chưa kể tiền công cho thợ nên nếu đầu ra bị chậm thì tiền vốn đọng lại rất cao. Đó là lý do để song hành với sự tiêu thụ chậm chạp của thị trường thì buộc phải sản xuất ít đi các mặt hàng siêu kỹ.

 

Hạn chế sản xuất hàng siêu kỹ

 

Anh Trần Bá Trúc (42 tuổi, thôn Ngọ) cho biết các chi tiết của hàng siêu kỹ đòi hỏi độ chính xác cao, nhiều họa tiết nhỏ (họa tiết càng nhỏ thì sự tỉ mỉ càng cao – pv), nguyên liệu đắt đỏ nhưng không phải ai cũng hiểu được giá trị sản phẩm. Phải là những người sành đồ khảm trai, ốc thì mới nhìn ra được giá trị thật của nó. Sành chơi và cũng phải có tiền thì mới sở hữu được các sản phẩm mình mong muốn. Hiện tại, thời buổi mà “một đồng kiếm ra cũng khó” nên các “đại gia”, “dân chơi” dù có thiết tha trước một sản phẩm đẹp cũng không dám “vung tiền” quá mạnh tay. Thị trường tiêu thụ hàng tinh xảo đuối dần nên các sản phẩm đắt tiền làm ra khó bán hơn các vật dụng phổ thông có giá bình dân và người làm nghề cũng có tâm lý ngại sản xuất.

 

Họa tiết của những mặt hàng kỹ nghệ tinh xảo thường rất công phu

 

Chủ tịch xã Chuyên Mỹ, ông Nguyễn Đức Lư cũng thừa nhận trong thời buổi nền kinh tế khủng hoảng chung nên đầu ra các sản phẩm khảm trai, khảm ốc của làng nghề bị thu hẹp lại. 67% dân trong xã làm nghề và có thu nhập chính từ nghề này nên gặp lúc khó khăn, nhiều gia đình “kêu trời” vì sản phẩm làm ra ế ẩm, đọng vốn, đặc biệt là các mặt hàng siêu kỹ. Để khắc phục thì trước mắt các hộ gia đình chú trọng hơn đến sản phẩm phổ thông, hướng đi lâu dài của làng nghề là quy hoạch tập trung, kết hợp với du lịch để có những nguồn thu ổn định và bền vững.

Thanh Thu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang