Kinh tế Nga vững vàng mặc EU và Mỹ 'liên thủ' trừng phạt

author 16:21 30/01/2015

(VietQ.vn) - Nhiều chuyên gia nhận định rằng để có thể ảnh hưởng đến kinh tế Nga phương Tây sẽ gia tăng lệnh trừng phạt thay vì chỉ kéo dài thời hạn, tuy nhiên nếu làm như vậy có thể sẽ ảnh hưởng đến cả các công ty Châu Âu.

Báo Dân Trí cho hay, Trong hội nghị bất thường thảo luận về khủng hoảng tại Ukraine và đối sách với Nga tại Brussels (Bỉ) hôm qua 29/1, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra quyết định nêu trên. Theo đó, các lệnh trừng phạt, do EU áp đặt lên Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014 với thời hạn 1 năm, sẽ được kéo dài thêm 6 tháng. Tuy nhiên, sẽ không có thêm bất kỳ cấm vận kinh tế nào với Mátxcơva như trong dự thảo trước đó, điều này có thể sẽ không gây ảnh hưởng đến kinh tế Nga.

Carsten Nickel - Phó chủ tịch Teneo Intelligence (Đức) cho biết trên Bloomberg: "Nếu Anh muốn gây ảnh hưởng lên nền kinh tế Nga, Anh sẽ cần phải tăng các lệnh trừng phạt lên đáng kể. Nhưng sẽ chẳng có ai sẵn sàng làm thế đâu".

EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, và các công ty châu Âu cũng đang chịu tác động ngược từ các lệnh trừng phạt áp lên Nga từ hè năm ngoái. Vì vậy, thuyết phục cả 29 thành viên EU đồng ý nâng trừng phạt lên Nga là cực kỳ khó khăn. Đặc biệt nếu xét đến tình hình kinh tế khó khăn hiện tại của chính châu Âu, VnExpress cho hay.

Kinh tế Nga có thể sẽ không bị ảnh hưởng khi EU và Mỹ kéo dài thời hạn trừng phạt

Kinh tế Nga có thể sẽ không bị ảnh hưởng khi EU và Mỹ kéo dài thời hạn trừng phạt. Ảnh minh họa

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, Ngoại trưởng Slovenia Karl Erjavec cho rằng việc gia tăng trừng phạt Nga sẽ không mang lại hiệu quả vì nó không góp phần thúc đẩy hiện thực hóa thỏa thuận Minsk nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong khi đó, Thủ tướng Áo Werner Faymann khẳng định lối thoát cho cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Nga và Phương Tây chỉ được tháo gỡ qua các cuộc đàm phán, còn việc tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ không đưa lại bất kỳ kết quả nào. Về phần mình, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotziasa cho rằng cần tiến hành đối thoại thay vì áp đặt các biện pháp mới đối với Nga. Ông Kotziasa nhấn mạnh Athens ủng hộ EU nhưng không ủng hộ các biện pháp trừng phạt, đồng thời khẳng định mục đích của Hy Lạp là hòa bình tại Ukraine.

Ông Vladimir Dzhabarov, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nga lên án lệnh trừng phạt này là “thiếu xây dựng”. “Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe những chỉ trích và sẵn sàng bày tỏ quan điểm về những tuyên bố của PACE. Nhưng họ lại không muốn lắng nghe chúng tôi”, ông nói. Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich cũng từng khẳng định rằng mọi biện pháp trừng phạt mới của Phương Tây nhằm vào Nga do vai trò của Moscow tại Ukraine sẽ là vô nghĩa và không có lợi, theo VnMedia

Đinh Ly

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang