Kinh tế số - động lực mới cải thiện năng suất lao động

author 07:00 07/12/2020

(VietQ.vn) - Cải thiện năng suất lao động là một trong những yêu cầu đầu tiên đối với phát triển bền vững hậu Covid-19. Trong đó, động lực mới cho cải thiện nhanh chóng năng suất lao động là kinh tế số.

Theo khảo sát từ Tổng cục Thống kê về tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cho thấy còn rất nhiều những thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt như nợ xấu có khả năng gia tăng, thu ngân sách giảm, kim ngạch xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng khi các thị trường xuất khẩu chính của hàng hóa Việt Nam đang bước vào đợt bùng phát dịch Covid-19 mới như Mỹ và châu Âu…, Tuy nhiên TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam vẫn tin tưởng Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng hơn 6% trong năm 2021, nằm trong nhóm đầu trên thế giới và khu vực Ðông Á, Thái Bình Dương.

Căn cứ để đưa ra nhận định lạc quan này là nhờ vào quá trình cải cách môi trường kinh doanh tiếp tục duy trì nhịp độ với việc triển khai Chính phủ điện tử; Việt Nam trở thành địa chỉ tin cậy thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI); kinh tế số đang được đẩy mạnh tạo cơ hội mới cho tăng trưởng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được khả năng cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước và nước ngoài, đây là nền tảng rất tốt so các quốc gia khác và là lợi thế để khi dịch bệnh lắng xuống, doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất ngay.

Động lực mới cho cải thiện nhanh chóng năng suất lao động là kinh tế số. Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho biết, kinh tế Việt Nam được dự báo là có mức tăng trưởng hàng đầu khu vực và thế giới nhưng trước những rủi ro đang rình rập, cần đẩy mạnh cải cách thể chế hơn nữa, từ đó cắt giảm chi phí do chính sách, tạo thêm không gian kinh tế và động lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp. Trong đó, cải thiện năng suất lao động (NSLÐ) là một trong những yêu cầu đầu tiên đối với phát triển bền vững hậu Covid-19, do đó, cần tiếp tục cải thiện NSLÐ, sức cạnh tranh của các ngành hàng, của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Ðộng lực mới cho cải thiện nhanh chóng NSLÐ là kinh tế số. Ðể thúc đẩy kinh tế số, Việt Nam cần có chiến lược khung để làm nền tảng cho các định hướng và thể chế cho việc chuyển đổi số; tạo điều kiện căn bản để thu hút được nguồn vốn cho đầu tư số hóa nền kinh tế. Cụ thể là hạ tầng và dịch vụ số; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất… Theo TS Lê Duy Bình, quy mô kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng khoảng 38% năm 2019 và tăng trưởng khoảng hơn 40% năm 2020, ước tính đạt 12 tỷ USD, trở thành một động lực tăng trưởng lớn đối với nền kinh tế.

Đồng thời, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khuyến cáo: Cùng với việc khống chế dịch Covid-19 được đặt lên hàng đầu, Chính phủ cần tiếp tục công cuộc cải cách gắn với xu thế mới, tận dụng các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do, làn sóng dịch chuyển đầu tư… Về phía các doanh nghiệp, cần tận dụng lợi thế so sánh về chi phí lao động, vận chuyển, dịch vụ kết nối và xử lý thông tin, chú ý đến vấn đề "tiêu dùng xanh", sau dịch thì sẽ càng được đẩy lên và cẩn trọng hơn với các loại hàng hóa về thực phẩm, y tế…

Nâng cao năng suất với hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015(VietQ.vn) - Nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng, nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai thành công các mô hình quản lý, cải tiến năng suất.

Mai Phương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang