Kinh tế tư nhân là ‘lực kéo’ quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam

author 06:01 31/01/2021

(VietQ.vn) - Kinh tế tư nhân vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, trở thành “lực kéo” chính cho cả nền kinh tế trong thời gian sắp tới. Điều này lại càng mang tính thực tiễn khi các văn kiện được xây dựng để trình Đại hội XIII xác định kinh tế tư nhân là động lực chủ đạo cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới.

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế tư nhân đã dần khẳng định vai trò, động lực quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Hàng năm, khu vực này đang tạo ra khoảng 40% GDP, đóng góp 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.

Kinh tế tư nhân vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, trở thành “lực kéo” chính cho cả nền kinh tế trong thời gian sắp tới. Ảnh minh họa. 

Điển hình có thể kể đến những tên tuổi các tập đoàn tư nhân như: Vingroup, Sun Group, Thaco, Vietjet, TH True Milk... Trong giai đoạn 2016-2018 là "thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của doanh nghiệp trong lịch sử”, mỗi năm doanh nghiệp tư nhân tăng trung bình hơn 128.000 doanh nghiệp tương đương tăng 63% so với giai đoạn 2015; Số vốn đầu tư đăng ký tăng gấp hai lần.

 
Khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam là khu vực kinh tế gồm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh không dựa trên sở hữu nhà nước về các yếu tố của quá trình sản xuất, mà thuộc sở hữu tư nhân, bao gồm các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần với các quy mô khác nhau và các hộ kinh doanh cá thể.
 

Nhiều doanh nghiệp sản xuất của tư nhân cũng đạt kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD, vươn ra tầm quốc tế, có vị trí cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo thống kê, hiện tại đã có 29 doanh nghiệp Việt Nam có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, (VCCI) đánh giá: Nghị quyết 10 khẳng định rất rõ về định hướng phát huy vai trò của khu vực này là một trong những động lực kinh tế quan trọng của đất nước.

"Chúng tôi đánh giá là Nghị quyết 10 đã xóa tan nghi ngại, dè dặt về khu vực này, đặc biệt là trong hành xử, trong khi ban hành chính sách, áp dụng chính sách tại cấp cơ sở thì hiện nay nó đã xóa bỏ những cái này; Tạo ra không gian phát triển cho doanh nghiệp tư nhân thuận lợi. 

Điểm thứ hai, Nghị quyết 10 cũng là điểm tựa cho doanh nghiệp tư nhân, họ cảm thấy tự tin rằng được tạo thuận lợi, không bị phân biệt đối xử, họ cũng được bảo đảm cơ hội làm ăn, thúc đẩy tinh thần kinh doanh- và đây cũng là cơ sở cho nhiều chính sách quan trọng được Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa sau này có thể là những đạo luật quan trọng khác để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân" - ông Tuấn bày tỏ.

Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng, sau khi Nghị quyết 10 được ban hành đã làm tiền đề cho hàng loạt giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm giúp lực lượng doanh nghiệp tăng tốc và bứt phá.

Theo chuyên gia nghiên cứu Nguyễn Đình Cung: "Sau Nghị quyết 10 chúng ta có hàng loạt giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân, một trong những thứ đó vẫn là tự do kinh doanh và an toàn cho hoạt động kinh doanh, giảm chi phí đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ tài sản của người đầu tư, tư nhân một cách tốt hơn, để an toàn đầu tư phát triển hơn. Tôi cho rằng, những định hướng trong Nghị quyết 10 đã được cụ thể hóa và chuyển nó sang một số nội dung cơ bản của giải pháp về cải cách thể chế, cải thiện môi trường của chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2015".

Kinh tế tư nhân vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, trở thành “lực kéo” chính cho cả nền kinh tế trong thời gian sắp tới. Điều này lại càng mang tính thực tiễn khi các văn kiện đang được xây dựng để trình Đại hội XIII xác định động lực chủ đạo cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho 10 năm tới.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mong muốn Đảng và Nhà nước có bước đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là  hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường. Mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân một cách thiết thực, hiệu quả theo cơ chế thị trường, vừa chú trọng các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ vừa tập trung xây dựng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của tư nhân…

Tạo lập môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh - tiền đề để kinh tế tư nhân phát triển(VietQ.vn) - Khu vực doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, cần tạo lập môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang