Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy đổi mới sáng tạo

author 06:03 12/10/2020

(VietQ.vn) - Việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới.

Thời gian gần đây, nền kinh tế thế giới đang dần có sự dịch chuyển từ từ mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH), nhằm tạo ra tăng trưởng kinh tế mà không tổn hại đến môi trường và xã hội trong dài hạn. KTTH cũng là giải pháp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng phục hồi của mỗi nền kinh tế. Việc chuyển đổi còn giúp bảo vệ an ninh nguồn cung nguyên liệu, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như tạo ra các cơ hội việc làm mới.

Thu hồi, tái chế các thiết bị điện tử. Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), rất nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn còn quan niệm KTTH chỉ đơn thuần là tái chế, tái tạo các sản phẩm đã qua sử dụng.

Trong khi đó, bản chất của KTTH rộng lớn hơn, bao trùm hơn, đòi hỏi sự cải biến trong từng khâu của quá trình sản xuất, bắt đầu từ nghiên cứu, thiết kế và phát triển một sản phẩm, để sản phẩm đó sử dụng nguyên vật liệu tiết kiệm hơn, tiêu tốn ít năng lượng hơn trong quá trình sản xuất và vận hành, độ bền cao hơn, có thể sửa chữa và thay thế các linh kiện, phụ kiện dễ dàng, đồng thời khi kết thúc vòng đời có thể được trở thành nguyên liệu đầu vào cho càng nhiều ngành sản xuất khác càng tốt. Vì lẽ đó, KTTH tạo ra một vòng tròn khép kín trong quy trình sản xuất, tiêu thụ, thu gom và tái sản xuất giữa các DN trong cùng ngành và giữa các ngành sản xuất.

Mặc dù vậy, nhiều DN vẫn chưa thực sự mặn mà với KTTH. Theo ông Vinh, để giải quyết vấn đề này điểm mấu chốt nằm ở chính sách. Cụ thể, chúng ta cần tập trung vào công tác phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các DN về KTTH.

Theo đó, cần chú trọng vào chính sách quản lý, bảo vệ môi trường, chính sách tài chính, thương mại cho phép chuyển đổi các chất thải/phế thải thông thường của ngành công nghiệp này thành các loại nguyên vật liệu thứ cấp cho các ngành công nghiệp khác; chính sách hỗ trợ tăng cường chia sẻ và chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến, cũng như các chính sách giúp xây dựng mạng lưới kết nối các DN đa ngành hiệu quả hơn và tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi.

Xây dựng một chiến lược phát triển mô hình KTTH trong một số ngành kinh tế trọng yếu, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 là bước đi cần thiết để mô hình tiến bộ này có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại Việt Nam.

Ông Vinh cho biết thêm, VCCI - VBCSD cũng đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về Hỗ trợ cộng đồng DN triển khai Mô hình KTTH giai đoạn 2021 - 2025. Trong giai đoạn trung hạn, Chính phủ có thể lựa chọn một số ngành kinh tế trọng yếu để triển khai thí điểm mô hình KTTH, như ngành nhựa, giấy, xây dựng, thực phẩm… như một cách thức tạo nên bệ phóng để thực hiện Chương trình quốc gia nói trên. 

Tọa đàm: Kinh tế tuần hoàn vì tương lai xanhVới mục tiêu đưa ra phương hướng giải quyết thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) tổ chức tọa đàm trực tuyến “Kinh tế tuần hoàn vì tương lai xanh”.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang