Chuyên gia hàng đầu đánh giá tác động kinh tế Việt Nam trong CMCN 4.0

author 11:44 08/08/2017

(VietQ.vn) - Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nền kinh tế Việt Nam phải có sự thay đổi mạnh mẽ để có thể bắt kịp xu thế của CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.

CMCN 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang thể hiện một mức độ ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ và được dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị kinh tế trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Vấn đề quan trọng với nước ta lúc này là phải nhanh chóng đón bắt để tranh thủ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại bằng cách chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới giáo dục, phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế, xã hội hiện có.

Để làm rõ những tác động của cuộc CMCN 4.0 tới nền kinh tế Việt Nam, PV Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia kinh tế.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhằm đón đầu xu hướng CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, Thủ Tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0 trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và các tỉnh trên cả nước.

Chính phủ cũng ban hành Nghị Quyết 19 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, Nghị Quyết 35 về hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương. 

Không những thế, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Thủ tướng Chính phủ cũng đã hai lần gặp và đối thoại với các doanh nghiệp, ban hành Chỉ thị 20 yêu cầu chỉ kiểm tra một lần mỗi năm, tuyên bố năm 2017 là năm giảm chi phí, xây dựng nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, dùng người tài chứ không dùng người nhà...

“Như vậy, về mặt chính sách, chiến lược, Nhà nước ta đã có sự chuẩn bị khá kỹ càng. Điều quan trọng là tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ ra sao cho hiệu quả mà thôi”, Tiến sĩ Doanh nói.

Cũng theo Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, hiện các nước khác như Hàn Quốc, Thái Lan đều xây dựng bản phân tích SWOT (mạnh, yếu, cơ hội, thách thức) và xây dựng Chương trình hành động cho doanh nghiệp, giao nhiệm vụ cụ thể cho doanh nghiệp nào làm gì, nhà nước hỗ trợ ra sao. Những điều đó Việt Nam cần phải làm tiếp.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, CMCN 4.0 tác động sâu sắc đến tất cả các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Nước nào vận dụng sớm, có hiệu quả CMCN 4.0 thì nước đó sẽ chiếm lĩnh được thị trường vì thế giới thay đổi rất nhanh. Tiến sĩ Doanh nếu ra một ví dụ cụ thể rằng nếu như trước đây điện thoại phải mất 80 năm mới có được 100 triệu khách hàng thì bây giờ chỉ tính riêng trò chơi Pokemon Go chỉ cần 2 tháng là có được số khách hàng đó thậm chí vượt hơn mong đợi.

Việt Nam cần thay đổi mạnh mẽ, “chậm là chết”

"Chậm là chết. Mỗi nền kinh tế phải sáng tạo, đổi mới, tạo ra sự khác biệt để cạnh tranh. Việt Nam phải áp dụng mạnh công nghệ thông tin, kết nối ngân hàng điện tử, số hóa với doanh nghiệp, với người dân, phát triển nông, lâm, ngư nghiệp công nghệ cao, phát triển dịch vụ du lịch, phần mềm…Mặt khác, công nghiệp Việt Nam chủ yếu là gia công, sử dụng lao động tay nghề thấp vào lắp ráp, số lao động này trong ngành may mặc có nguy cơ bị thay thế bằng người máy. Người lao động phải chấp nhận học tập suôt đời, chấp nhận thay đổi nghề, chỗ làm việc, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu để làm việc. Quan niệm "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn" đã lỗi thời và không còn thích hợp”, Tiến sĩ Doanh phân tích

Cũng theo vị tiến sĩ này, khi CMCN 4.0 đi vào chiều sâu, cơ cấu lao động sẽ chắc chắn sẽ có sự thay đổi lớn. Theo các nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lao động trong ngành may mặc có nguy cơ bị thay thế bằng người máy, các nghề giản đơn như rửa bát trong khách sạn, nhà hàng, trực điện thoại, sẽ sớm bị thay thế, các lao động gian đơn khác cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, lao động sáng tạo trong công nghệ thông tin, phần mềm, số hóa, bác sỹ ngoại khoa, chữa răng, cô giáo mẫu giáo vẫn là người, người máy chưa thay thế được ngay.

Bên cạnh đó, cơ cấu ngành kinh tế cũng sẽ thay đổi khi các ngành dịch vụ sáng tạo sẽ phát triển, công nghiệp gia công sẽ giảm dần. Năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió v.v. sẽ phát triển mạnh trong khi công nghiệp sản xuất xăng sẽ giảm sút. Ô tô điện tự lái sẽ thay thế taxi.

Về hướng đi cho các doanh nghiệp trong thời đại CMCN 4.0, Tiến sĩ Doanh cho rằng, hiện doanh nghiệp Việt Nam 94% là nhỏ và rất nhỏ, 2% là vừa, 2% là lớn, tất cả còn rất nhỏ bé, chưa có công nghệ, bằng phát minh, sáng chế. Muốn tồn tại theo xu hướng mới thì doanh nghiệp phải liên kết lại, đầu tư dài hạn vào nguồn nhân lực chất lượng cao, vào khoa học-công nghệ, xây dựng thương hiệu để cạnh tranh trên trường quốc tế.

Theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ mới có thể nắm bắt kịp xu thế của CMCN 4.0. 

Liên quan đến vấn đề này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - ông Trần Đình Thiên cho hay, CMCN 4.0 đang tạo ra những thách thức liên quan đến các chi phí điều chỉnh trong ngắn đến trung hạn do tác động không đồng đều của nó đến các ngành. Trong từng ngành, sự tăng trưởng nhanh của nhiều doanh nghiệp tạo ra những công nghệ mới, đồng thời cũng thu hẹp và đào thải các doanh nghiệp lạc nhịp công nghệ.

Đối với Việt Nam, trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có lợi thế địa kinh tế và nguồn lao động trẻ, dồi dào; nhưng cách mạng 4.0 sẽ làm thay đổi điều đó, suy giảm lợi thế này. Do vậy, Việt Nam cần một cách tiếp cận độc đáo, khác biệt và khả thi để tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 bứt phá phát triển.

Còn theo Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam- bà Louise Chamberlain cho hay, cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong những bước đi hữu ích và nhanh nhất để thu hẹp khoảng cách kiến thức về các nút thắt mà các ngành, tiểu ngành và doanh nghiệp của Việt Nam phải đối mặt để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh.

Việc thực hiện nhanh chóng và quyết liệt các hành động này - cùng với cải cách thể chế và khả năng của người dân Việt Nam để tận dụng các cơ hội mà Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tạo ra. 

Phong Lâm

Ngành dệt may xoay chuyển thế nào trong vòng xoáy cách mạng công nghiệp 4.0?(VietQ.vn) - Trước sự phát triển như 'vũ bão' dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành dệt may sẽ công nghệ hóa hơn tuy nhiên bài toán về nhân lực sẽ rất khó khăn.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang