Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục

author 09:17 29/04/2013

(VietQ.vn) - Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa phát đi thông cáo báo chí tổng kết lại chuyến thăm của ông Alfred Schipke, Trưởng đoàn giám sát kinh tế vĩ mô cùng phái đoàn đã thăm và làm việc tại Hà Nội và TP.HCM

Từ ngày 8-25/4, IMF tiến hành các buổi thảo luận với các nhà chức trách Việt Nam trong khuôn khổ Tư vấn Điều IV theo Điều lệ Quỹ.

Theo đó, Phái đoàn đã làm việc với các cán bộ cấp cao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện khu vực tư nhân và các đối tác phát triển.

Dự kiến vào cuối tháng 6/2013, Ban Giám đốc Điều hành của IMF sẽ tiến hành thảo luận nội dung của Báo cáo Điều IV cùng với Báo cáo của Chương trình Đánh giá Khu vực Tài chính (FSAP), do IMF phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện.

Hoạt động kinh tế có thể đang phục hồi từ mức đáy

Cũng theo IMF, các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Đoàn Tư vấn tập trung vào diễn biến kinh tế gần đây và triển vọng, những thách thức chính sách kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn và cải cách khu vực tài chính và các doanh nghiệp Nhà nước gồm cả các vấn đề nổi lên trong quá trình thực hiện Chương trình FSAP.

Trong bối cảnh này, NHNN và IMF đã đồng tổ chức một hội thảo vào ngày 18/4 với tiêu đề "Việt Nam: Giữ vững sự ổn định, tăng cường lợi thế cạnh tranh và gặt hái tiềm năng tăng trưởng".

Đánh giá tại cuộc hội thảo này cho thấy, về kinh tế vĩ mô, có dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế có thể đang hồi phục từ mức đáy, được dẫn dắt bởi xuất khẩu mạnh mẽ. Lạm phát đã giảm từ mức hai con số xuống khoảng 7% (so với cùng kỳ) vào tháng 3/2013. Cùng với đó, thị trường tài chính đã bình ổn trở lại do nỗ lực của NHNN trong việc cung cấp thanh khoản và sáp nhập một số ngân hàng nhỏ, yếu kém.

Thặng dư cán cân vãng lai tăng lên hơn 9 tỷ USD trong năm 2012 một phần do nhập khẩu thấp và hoạt động kinh tế yếu. Với việc này, tổng dự trữ quốc tế tính đến cuối tháng 2/2013 đã tăng lên hơn 2,5 tháng nhập khẩu dự kiến của hàng hóa và dich vụ.

Đồng thời, cầu trong nước yếu kéo tăng trưởng GDP thực giảm xuống còn 5,25% (so với cùng kỳ) vào năm 2012 (6,25% vào năm 2011). Trong khi lạm phát đã giảm xuống, lạm phát cơ bản (không bao gồm thực phẩm cơ bản và năng lượng) vẫn còn ở mức cao, điều này đã hạn chế không gian cho việc giảm lãi suất.

Vũ Lê (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang