Kinh tế Việt Nam một mình “nghẽn mạch”

author 13:20 26/09/2013

Một mình “nghẽn mạch”, vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy” là nhận xét của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu vừa được khai mạc sáng nay (26/9) tại Huế.

kinh tế Việt Nam một mình nghẽn mạch và đi xuống

Có thể đã chạm đáy tăng trưởng, nhưng chưa chạm đáy “tồn kho thể chế”...


Chưa chạm đáy “tồn kho thể chế”

Tháng 4 năm nay, ở Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân, ông Thiên cho rằng không có điểm mới đáng kể nào trong thực tiễn kinh tế từ 2007 đến nay, ngoại trừ xu hướng xấu đi của tình hình.

Nay, nhìn lại 5 năm, ông Thiên nhận xét, từ 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đi qua, để lại hậu quả nặng nề, dư chấn vẫn còn, thậm chí rất mạnh, song nhìn chung, kinh tế thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi. Nhưng Việt Nam không nằm trong quỹ đạo đó, hiện nay, nền kinh tế vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy” mặc dù xu hướng ổn định hóa đã mở ra và đà sụt giảm tốc độ tăng trưởng có vẻ đã được chặn lại.

“Đây là điểm cần được nhấn mạnh”, ông Thiên nói.

Đặt dấu chấm hỏi sau nhận định Việt Nam rơi vào bẫy “tắc nghẽn” tăng trưởng, ông Thiên cho rằng quỹ đạo cũ của nền kinh tế vẫn nguyên, dư địa chính sách ít, gia tăng thành tích ngắn hạn nghĩa là tiếp tục gia tăng rủi ro và nguy cơ.

Có thể đã chạm đáy tăng trưởng, nhưng chưa chạm đáy “tồn kho thể chế”, đáy rủi ro, đáy lòng tin, chưa đụng đến mô hình, Viện trưởng Thiên nhấn mạnh.

Nhìn lại vấn đề từng được tranh luận rất “căng” tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân đầu năm nay là tái cơ cấu nền kinh tế, ông Thiên nhận xét rằng vẫn “chưa có hành động chiến lược”.

Cụ thể, nợ xấu và sở hữu chéo vẫn còn nguyên, các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn ở tình trạng đề án tái cơ cấu trên giấy.

Cho rằng nói kế hoạch 5 năm đã vỡ cũng không sai, ông Thiên đề nghị Quốc hội cần thảo luận cho rõ là nên hướng tới mục tiêu nào trong hai năm còn lại, dốc sức để đạt chỉ tiêu kế hoạch đã trở nên rất khó khả thi, hay là chuẩn bị cơ sở cho cuộc bứt phá sau 2015?

Bên cạnh một số giải pháp trước mắt và trung hạn, giải pháp chiến lược được Viện trưởng Thiên đề xuất liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Đó là quan điểm bình đẳng các thành phần kinh tế, không ghi thành phần kinh tế “chủ đạo” tại Hiến pháp. Bên cạnh đó là quan điểm đất đai đai nên chuyển sang đa sở hữu.

2014 chưa thể thoát trì trệ

Cũng với cái nhìn toàn cảnh tại bản tham luận, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, những khó khăn của 2013 vẫn tiếp tục kéo dài và năm 2014 nền kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ.

Từ đúc kết của nhiều năm nghiên cứu về kinh tế vĩ mô, ông Lịch cho rằng, những khó khăn của kinh tế từ đầu năm 2013 là hệ quả cuối cùng của giai đoạn từ  năm 2008, khi nền kinh tế Việt Nam lâm vào tình trạng bất ổn vĩ mô.

"Mà nguyên nhân sâu xa là vẫn là từ nội tại của nền kinh tế, từ sự bất cập của cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng. Sự nhận thức không đúng mức “căn bệnh” của nền kinh tế, việc thực thi các giải pháp ngắn hạn nhằm đối phó với tình hình đã làm cho thị trường mất phương hướng...", ông Lịch nhìn nhận.

2013 là năm thứ 6 và là giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài nhất, tính từ đầu thập niên 1990 đến nay là nhận định đã được tô đậm tại tham luận.

Một trong những hệ quả của 6 năm bất ổn kinh tế vĩ mô mà bước vào 2013 nền kinh tế đang phải đối mặt chính là từ năm 2008 đến nay, hầu hết các chính sách kinh tế vĩ mô đều mang tình chất tình thế nhằm xử lý nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô, mà tập trung nhất là chống lạm phát. Sự thay đổi chính sách liên tục (lúc thắt chặc, lúc nới lỏng nhất là chính sách tiền tệ) đã làm cho thị trường mất phương hướng dài hạn.

Dẫn đầu 4 thách thức ngắn hạn mà nền kinh tế đang phải đối diện được nêu tại tham luận là nguy cơ tái lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường sẽ làm cho tình hình khó khăn thêm. Thứ hai, tình hình nợ xấu chưa được cải thiện, nên tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài.

Thách thức thứ ba là khả năng kéo giảm lãi suất cho vay không nhiều, do hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp lẫn hệ thống ngân hàng thương mại. Và thứ tư là những nỗ lực để làm ấm thị trường bất động sản chưa thể mang lại kết quả, nên thanh khoản của thị trường này khó được cải thiện kéo theo việc xử lý nợ xấu của  ngân hàng thương mại cũng sẽ khó khăn.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, năm 2013 lại xuất hiện một vấn đề mới có nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô, là thâm hụt ngân sách diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, doanh nghiệp thua lỗ, thị trường bất động sản đóng băng, nhưng công chi không thể giảm đang trở thành vấn đề nan giải cho bài toán ngân sách trong 2 năm 2014 và 2015.

Vấn đề này, theo ông Lịch cần phải được đặt lên bàn nghị sự tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội cuối năm nay.

Theo VnEconomy.vn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang