Kinh tế Việt Nam sẽ chuyển biến tốt bất chấp căng thẳng biển Đông

author 13:51 30/05/2014

(VietQ.vn) - Căng thẳng biển Đông có thể gây tổn hại đến nền kinh tế Việt, tuy nhiên đây cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi, thoát dần khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.

Nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào?

Theo tin mới từ báo Đất Việt, đề cập đến tình hình nóng bỏng tại biển Đông gần đây, báo cáo của VEPR (Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách) do ông Nguyễn Đức Thành trình bày cho rằng căng thẳng trên biển Đông sẽ có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Thậm chí tăng trưởng năm 2014, VEPR dự báo sẽ từ 4,15 - 4,88% một phần cũng từ những ảnh hưởng từ căng thẳng biển Đông khiến phát sinh lo ngại, giảm đầu tư. 

nền kinh tế việt nam bị ảnh hưởng thế nào từ vụ xung đột biển đông

Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2014

Tuy nhiên, trong một diễn biến khác, cụ thể tính tới tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 1,08% và trong năm tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng bình quân chỉ tăng 4,73% - đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Riêng hành vi manh động, vi phạm pháp luật đập phá các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh đã làm giảm 8% kim ngạch xuất khẩu của tháng 5, nhưng tăng trưởng xuất khẩu vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Còn khách du lịch giảm khoảng 10%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, nếu không có sự cố đáng tiếc này phục hồi kinh tế sẽ tốt hơn.

Nền công nghiệp vẫn chuyển biến tốt 

Thông tin từ Báo Đất Việt cũng cho biết, tuy nền kinh tế bị đánh giá là bị ảnh hưởng, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định nên Công nghiệp vẫn chuyển biến khá tốt.

nền kinh tế việt nam bị ảnh hưởng thế nào từ vụ xung đột biển đông

Nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng do xung đột biển Đông

Thứ nhất, chỉ số công nghiệp chuyển biến tốt so cùng kỳ năm trước, tăng 5,9%, mức này khá cao so cùng kỳ 2013 chỉ tăng 4,9%.

Thứ hai, qua kiểm tra tại các địa phương có hoạt động giao thương với Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn diễn ra bình thường, kể cả hàng nông sản xuất khẩu.

Trên lĩnh vực đầu tư, hiện tại Trung Quốc đang tham gia vào một số dự án đầu tư lớn về thuỷ điện như Duyên Hải, Vĩnh Tân; nhà máy Phân đạm Hà Bắc, Gang thép Thái Nguyên và Lào Cai. Hoạt động của các dự án này vẫn diễn ra bình thường, không có gì đáng lo ngại.

Về nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết thêm, hoạt động xuất nhập khẩu về nông, lâm sản tại các cửa khẩu vẫn bình thường, hiện vật tư cho sản xuất nếu không mua của Trung Quốc, các doanh nghiệp trong nước có thể mua được của các đối tác khác.

Kinh tế Việt Nam cần thoát dần khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc

Ngoài ra, báo Tuổi trẻ cũng đưa tin tức mới về việc khả năng giảm phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc, ông Nguyễn Đức Thành cho biết VN cần và hoàn toàn có thể làm điều này. Hiện nay, VN nhập nhiều sản phẩm như máy móc thiết bị, thậm chí nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Lý do là giá rẻ, giúp doanh nghiệp có thể quay vòng vốn nhanh. Tuy nhiên, đã đến lúc tính toán đa dạng hóa nguồn cung cấp, giá có thể đắt hơn, nhưng theo ông Thành, doanh nghiệp cần tính xa, và có thể sẽ phải chấp nhận việc quay vòng vốn có thể chậm hơn. “Cần xác định các đối tác kinh tế chiến lược như Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và ASEAN để xây dựng cơ sở hợp tác dài hạn, dần giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc” - ông Thành nói.

Đề xuất chính sách, VEPR cho rằng sau sự kiện căng thẳng ở biển Đông, Việt Nam cần tính toán điều chỉnh tỉ giá để tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa VN. Ngoài ra, cần duy trì tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như thông điệp đầu năm của Thủ tướng. Đặc biệt, VEPR đề nghị cần có một lộ trình tinh giảm biên chế từ cấp xã đến trung ương nhằm giảm chi tiêu của bộ máy. Việc tái cơ cấu cần tập trung, tránh phân tán làm mất cơ hội… “Cùng với những tranh chấp hiện nay với Trung Quốc, nhu cầu cải cách, giảm phụ thuộc là rất lớn và ngày càng rõ hơn” - ông Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Đặng Hằng (T.H)



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang