Kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam

author 13:46 16/09/2020

(VietQ.vn) - UBND TP. Hà Nội yêu cầu sở, ngành, cơ quan chức năng lưu ý hiện tượng kim ngạch xuất nhập khẩu biến động bất thường, kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo ghi nhãn, xuất xứ Việt Nam

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Công văn số 4432/UBND - KT ngày 11/9/2020 về việc tăng cường quản lý nhà nước trong công tác phòng vệ thương mại, phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

UBND thành phố giao Sở Công Thương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách, quy định về xuất xứ và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là quy định trong các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; quy định của các thị trường xuất khẩu tiềm năng, các thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam;

Theo dõi, cập nhật thường xuyên và kịp thời cung cấp danh sách các mặt hàng bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp bởi các nước thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, các mặt hàng có nguy cơ bị gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp thông tin xử lý vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của các nước đối với sản phẩm, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi biến động đầu tư nước ngoài (kể cả thay đổi sở hữu, mua bán, sáp nhập) vào các ngành sản xuất, kinh doanh mặt hàng theo danh sách cảnh báo do Sở Công Thương cập nhật, tổng hợp. Trường hợp phát hiện bất thường của nhà đầu tư nước ngoài vào các sản phẩm này hoặc phát hiện sản phẩm mới, Sở cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ và hạn chế việc cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời có biện pháp xử lý khi cần thiết.

Ảnh minh họa 

Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần thẩm định, xem xét kỹ và cẩn trọng các dự án có nguy cơ chuyển dịch công nghệ cũ, lạc hậu vào Việt Nam để tận dụng chính sách thương mại thuận lợi trong các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã ký kết với các nước; thường xuyên cập nhật nội dung cảnh báo của cơ quan có thẩm quyền về các mặt hàng có nguy cơ lẩn tránh thương mại nhằm hạn chế tối đa các vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, đơn vị chức năng theo dõi số liệu nhập khẩu, xuất khẩu các mặt hàng thuộc danh sách cảnh báo để tham mưu UBND thành phố, đặc biệt lưu ý hiện tượng kim ngạch xuất nhập khẩu biến động bất thường, kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo ghi nhãn, xuất xứ Việt Nam…

Liên quan tới vấn đề trên, hồi đầu tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại".

Mục tiêu chung của Đề án nhằm xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước, giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp trong việc nắm tình hình, thường xuyên cập nhật những điều chỉnh trong chính sách thương mại của các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam; phân tích, dự báo, sớm phát hiện những chính sách cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng vệ thương mại theo hướng bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu; tăng cường theo dõi tình hình tuân thủ các quy định quốc tế, quy định trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương của các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong các lĩnh vực đã và đang có nguy cơ bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia cam kết cắt giảm những rào cản thương mại để hàng hóa có thể lưu thông một cách tối đa qua biên giới các nước. Tuy nhiên, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép, áp dụng một số biện pháp phòng vệ thương mại trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ ngành sản xuất của nước nhập khẩu.

Thông thường, phòng vệ thương mại bao gồm 3 biện pháp cơ bản như: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Về bản chất, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu (như bán phá giá hoặc được trợ cấp).

Trong khi đó, biện pháp tự vệ là công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa trong nước, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang