Kon Tum: Đẩy mạnh dự án tạo lập, quản lý nhãn hiệu chứng nhận Sâm Ngọc Linh

author 07:26 11/11/2017

(VietQ.vn) - Thời gian tới, Sở KH&CN Kon Tum dự kiến tiếp tục triển khai thực hiện dự án tạo lập, quản lý nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Kon Tum vừa có báo cáo kết quả công tác tháng 10 và kế hoạch công tác tháng 11. Đặc biệt, trong tháng 10/2017, Sở KH&CN tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ liên quan đến việc tạo lập, quản lý, bảo vệ, phát triển nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh và đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, Sở KH&CN Kon Tum đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức Đại hội thành lập Hội sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum; phê duyệt dự án Tạo lập, quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Ngọc Linh Kon Tum” dùng cho sản phẩm sâm củ và các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum.

Tiếp tục hoàn chỉnh Dự thảo Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ (đang gửi lấy ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp); Dự thảo Quy chế phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân tham gia chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn tỉnh (đang trình); Hoàn thiện hồ sơ Đại hội Hội sâm Ngọc Linh, trình UBND tỉnh phê duyệt Điều lệ Hội sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum. Sở KH&CN Kon Tum cũng đã tiến hành nghiệm thu đạt loại khá 01 đề tài KH&CN cấp tỉnh; Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn cây giống Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamesis Ha et Grushv.);

Dự kiến trong tháng 11/2017, Sở KH&CN Kon Tum sẽ ban hành hướng dẫn thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017 – 2020. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017 – 2020;

Ký hợp đồng triển khai thực hiện Dự án “Tạo lập, quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Ngọc Linh Kon Tum” dùng cho sản phẩm sâm củ và các sản phẩm chế biến từ sâm củ Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum”; Triển khai thực hiện dự án tạo lập, quản lý nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum (nếu được UBND tỉnh phê duyệt).

Sâm Ngọc Linh thuộc 250 loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam. Ảnh: báo Sài Gòn Giải Phóng

Được biết, cây Sâm Ngọc Linh là loài cây thuốc “giấu” của đồng bào Xê Đăng, được Đoàn điều tra dược liệu của Ban dân y Khu V phát hiện năm 1973 tại núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Đến năm 1985 hai nhà khoa học (TS. Hà Thị Dụng và TS. Grushvitsky) xác định sâm Ngọc Linh là một loài mới, đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam, thuộc chi Panax L., họ nhân sâm (Araliaceae) và đặt tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv (Theo Trung tâm Sâm Việt nam - 1993), thuộc 250 loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam.

Nhận thức đúng đắn về giá trị kinh tế, xã hội, khoa học và môi trường của cây sâm Ngọc Linh, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã xác định đây là cây hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, trong những năm qua, Sở KH&CN Kon Tum đã phối hợp các ngành liên quan, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Đến nay, tỉnh Kon Tum đã bảo tồn và phát triển được khoảng 300 ha sâm Ngọc Linh được trồng trên núi Ngọc Linh.

Nhằm xây dựng sâm Ngọc Linh thành thương hiệu Quốc gia, tỉnh Kon Tum, tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 17/4/2013 Quy hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025, theo đó, vùng quy hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh có diện tích 31.742 ha, thuộc 03 xã: Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (Đăk Glei) và 05 xã: Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi (Tu Mơ Rông).

Theo kế hoạch, đến năm 2020, diện tích trồng Sâm Ngọc Linh đạt 1.000ha, với sản lượng ước tính 190 tấn; tạo thương hiệu Quốc gia về Sâm Ngọc Linh; đến năm 2025, trồng hết diện tích khoảng 9.343,6 ha theo quy hoạch với quy mô công nghiệp, hàng năm khai thác bình quân 800 ha và thực hiện trồng mới trên toàn bộ diện tích đã khai thác, đưa cây Sâm Ngọc Linh trở thành cây mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế của tỉnh; đa dạng hóa sản phẩm tinh chế từ Sâm Ngọc Linh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Theo các nhà khoa học, thân và rễ của sâm Ngọc Linh có tới 52 saponin (thành phần chính của nhân sâm, càng nhiều saponin càng tốt). Trong số này, có 26 saponin thường thấy ở nhân sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật Bản và 26 saponin mới phát hiện.

Ngoài thành phần chính là saponin, trong sâm Ngọc Linh còn có tới 17 acid amin, 20 chất khoáng vi lượng và 0,1% hàm lượng tinh dầu.

Xét về hàm lượng thu suất toàn phần, sâm Ngọc Linh còn vượt trội hơn hẳn khi hàm lượng cao hơn 3 lần sâm Triều Tiên, gấp hơn 2 lần nhân sâm Trung Quốc và Mỹ. Sâm Ngọc Linh lớn rất chậm, số tuổi tính theo đốt củ. Ngay cả khi trồng, để thu hái được cũng cần rất nhiều năm.

Phong Lâm

Bản tin Cảnh báo chất lượng: Bộ KH&CN đẩy mạnh ngăn chặn sâm Ngọc Linh giảBản tin Cảnh báo chất lượng hôm nay 10/10, sẽ có 1 số nội dung đáng chú ý như Bộ KH&CN đã lên kế hoạch ngăn chặn sâm Ngọc Linh giả trên thị trường; phát hiện hàng ngàn thỏi son giả nhập lậu từ Trung Quốc cùng nhiều tin tức cảnh báo đáng chú ý khác.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang