Kosy: Doanh thu 'khủng' nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh âm

author 14:07 02/04/2019

(VietQ.vn) - Doanh thu, lợi nhuận nhảy vọt những năm gần đây nhưng cần quan tâm dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Kosy 03 năm liên tiếp trong tình trạng âm. Vậy, nguyên nhân nào xảy ra tình trạng này, và dòng tiền kinh doanh thực chất đã “chảy” vào đâu?

Doanh thu tăng đột biến nhưng lại đáng lo?

Công ty CP Kosy (Kosy) được thành lập vào tháng 3/2008, bắt đầu với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông thủy lợi, san lấp mặt bằng; xây dựng công trình cấp thoát nước... Đến năm 2011 Kosy chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản, lấy là điểm tựa phát triển. Từ năm 2016 trở lại đây doanh nghiệp này bắt đầu triển khai nhiều dự án tại các địa phương như: Khu đô thị Kosy - Lào Cai , Khu đô thị Kosy - Bắc Giang, Khu đô thị Kosy - Gia Sàng, Khu đô thị Kosy - Sông Công thành phố Thái Nguyên,…

Cần nguồn vốn đầu tư các dự án trên, Kosy liên tiếp tăng vốn điều lệ nhiều lần thông qua phát hành cổ phiếu huy động vốn. Vốn điều lệ của Kosy được tăng từ 120 tỷ đồng lên 415 tỷ đồng. Vào cuối tháng 8/2018 Kosy đã chào bán riêng lẻ thành công 62,25 triệu cổ phần, qua đó chính thức nâng vốn điều lệ từ 415 tỷ đồng lên 1.037 tỷ đồng.

Kết quả doanh thu, lợi nhuận 3 năm trở lại đây của Kosy được thể hiện ấn tượng qua những con số trên báo cáo tài chính. Chốt đến ngày 31/12/2018 cho thấy tổng tài sản của doanh nghiệp này là 1.711 tỷ đồng, trong khi đó thời điểm ngày 1/1/2018 mới chỉ là 747 tỷ đồng. Tức là con số này đã tăng hơn gấp đôi.

Kết thúc năm 2018 doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Kosy đạt 900 tỷ đồng, trong khi đó năm 2017 chỉ là 407,688 tỷ đồng. Mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đạt 69,8%, từ 26,5 tỷ đồng lên 45 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của Kosy trong 4 năm gần nhất.

Tuy vậy, kết quả lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Kosy lại đáng ngại khi trong tình trạng âm liên tiếp 03 năm. Cụ thể, năm 2018 âm 532 tỷ đồng, trong khi đó năm 2017 âm 98 tỷ đồng, năm 2016 âm 139,5 tỷ đồng.

Mặc dù lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh liên tiếp âm nhưng nợ phải trả của Kosy tính đến ngày 31/12/2018 lên đến 594 tỷ đồng, riêng nợ ngắn hạn lên đến gần 354 tỷ đồng.

Với doanh nghiệp, mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận luôn là một trong những ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, hoàn thành vượt kế hoạch luôn mang tính tích cực và tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp nếu bỏ qua yếu tố dòng tiền. Dòng tiền cực kỳ quan trọng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, nếu dòng tiền nhiều năm liên tục âm sẽ cho thấy rủi ro lớn đến khả năng thanh toán lãi vay, các khoản nợ vay ngắn hạn hay nợ dài hạn đến hạn trong kỳ.

Dòng tiền “chảy” vào đâu?

Rất dễ có thể nhận ra mặc dù dòng tiền hoạt động kinh doanh bị âm nhiều năm nhưng nguồn vốn của Kosy đang "nằm" tại các đối tác có quan hệ mật thiết và lượng hàng tồn kho cũng tăng đột biến.

So với năm 2017 thì năm 2018 hàng tồn kho tăng gấp 4 lần. Cụ thể, tại thời điểm ngày 31/12/2018 hàng tồn kho của Kosy lên đến gần 475 tỷ đồng, trong khi đó tại ngày 01/01/2018 là gần 192 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn của Kosy cũng rất lớn, thời điểm cuối năm 2018 là 832,619 tỷ đồng, riêng khoản phải thu trả trước cho người bán ngắn hạn lên đến 509,9 tỷ đồng.

Thuyết minh báo cáo tài chính của Kosy cho biết, tính tới ngày 31/12/2018, khoản trả trước cho người bán ngắn hạn của doanh nghiệp này là 509,9 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hạ tầng Thủ đô (Công ty Hạ tầng Thủ đô) và Công ty CP KPT Việt Nam (Công ty KPT Việt Nam) chiếm tới 458,3 tỷ đồng.

Trụ sở Công ty KPT Việt Nam. 

Cụ thể, khoản trả trước cho Công ty Hạ tầng Thủ đô là 354,698 tỷ đồng còn khoản này tại Công ty KPT Việt Nam cũng là 103, 771 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa, các giao dịch giữa 02 doanh nghiệp này với Kosy đã “ngốn” phần lớn khoản tiền trả trước cho người bán hàng ngắn hạn.

Câu hỏi đặt ra, giữa các doanh nghiệp này có giao dịch gì đặc biệt? Theo tìm hiểu của Chất lượng Việt Nam online, các cổ đông sáng lập Công ty Hạ tầng Thủ đô và Công ty KPT Việt Nam đều có liên quan đến ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch HĐQT Kosy, và với chính Công ty CP Kosy.

Cụ thể, đối với Công ty Hạ tầng Thủ đô. Đây là doanh nghiệp thành lập năm 2015, đăng ký trụ sở chính tại số 5 ngách 8/23 phố Lê Quang Đạo, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trụ sở Công ty Hạ tầng Thủ đô 

Công ty Hạ tầng Thủ đô do Kosy và 02 cá nhân là Nguyễn Thị Phương Thảo, Dương Thị Vinh góp vốn thành lập. Trong đó, cổ đông Dương Thị Vinh là mẹ đẻ ông Cường, còn bà Nguyễn Thị Phương Thảo là em gái ông Cường. Tuy nhiên, đến ngày 27/7/2018, các cổ đông này đã thoái toàn bộ vốn tại Công ty Hạ tầng Thủ đô.

Còn đối với Công ty KPT Việt Nam. Đây là doanh nghiệp được thành lập năm 2016; có địa chỉ tại Ngõ 331 đường Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Doanh nghiệp này cũng do Kosy cùng với các cá nhân Nguyễn Đức Trang và Phạm Thị Thắng góp vốn thành lập.

Theo đăng ký thay đổi ngày 03/01/2018 thì Kosy góp 73,5 tỷ đồng nắm giữ 18,8%, còn lại các cổ đông Phạm Thị Thắng và Nguyễn Đức Trang mỗi người góp 158,25 tỷ đồng để nắm giữ 40,577% cổ phần. Riêng bà Phạm Thị Thắng còn là Kế toán trưởng của Kosy.

Qua đây có thể thấy mối quan hệ giữa Công ty Hạ tầng Thủ đô và Công ty KPT Việt Nam với Kosy cũng như với cá nhân ông Nguyễn Việt Cường là khá khăng khít.

Đáng quan tâm, các giao dịch giữa Công ty Hạ tầng Thủ đô và Công ty KPT Việt Nam với Kosy cũng đã thực hiện. Cụ thể các khoản trả trước ngắn hạn của Kosy với 02 doanh nghiệp này lên đến 458,3 tỷ đồng. Mà dòng tiền hoạt động kinh doanh của Kosy đang trong tình trạng bị âm tới 532 tỷ đồng.

Vậy vì sao phát sinh những giao dịch giữa Kosy với các doanh nghiệp trên, thực chất các giao dịch là gì? Điều này đang là vấn đề được quan tâm.

Chất lượng Việt Nam Online sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc trong các bài tiếp theo.

Tháng 11/2018, Cục Thuế Hà Nội đã phát hiện những vi phạm pháp luật về thuế tại Công ty CP Kosy giai đoạn từ năm 2013 đến 2017. Cơ quan chức năng quyết định truy thu hơn 1 tỷ đồng, đồng thời phạt Kosy 219,9 triệu đồng do khai sai và yêu cầu nộp 220 triệu đồng tiền chậm nộp phát sinh.

                                                                                                                                                                       Loan Hoàng

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang