Kỳ án Thaco KIA "đấu" với ô tô Trường Hải

author 17:44 08/09/2012

Dư luận gân đây đang bàn tán về một vụ tranh chấp kinh tế được tòa xử theo cách kỳ lạ. Đó là việc tòa sơ thẩm đột ngột biến Cty cổ phần ôtô Trường Hải thành bị đơn thay cho Cty THHH ôtô Thaco - Kia Đà Nẵng. Nhưng vượt lên trên mọi chứng cứ, tòa phúc thẩm vẫn cứ “bênh” cấp dưới.

Cty THHH ôtô Thaco - Kia Đà Nẵng (Thaco Đà Nẵng) thành lập tháng 8/2009, do hai thành viên góp vốn là ông Hồ Đắc Tuấn và Cty CP ôtô Trường Hải (Cty Trường Hải), mỗi bên 4,5 tỉ đồng. Ông Tuấn làm chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV).

Tòa bảo vệ cái sai...

Ngày 27/8, TAND tối cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xử phúc thẩm vụ tranh chấp chuyển nhượng vốn góp giữa ông Hồ Đắc Tuấn và Cty CP ôtô Trường Hải. Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên y án sơ thẩm, bỏ qua đề nghị hủy án của công tố viên do bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Phát biểu tại phiên xử phúc thẩm, đại diện Viện KSND tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa kết luận thẩm phán thụ lý giải quyết vụ kiện của tòa sơ thẩm chưa thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS). Cụ thể, trong các đơn khởi kiện của ông Tuấn xác định bị đơn là Kia Đà Nẵng, còn Trường Hải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; các biên bản hòa giải của tòa cũng xác định tương tự. Nhưng tại phiên xử, tòa lại xác định Trường Hải là bị đơn. Việc này vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo khoản 1, điều 5 BLTTDS. Tại phiên xử phúc thẩm, luật sư Nguyễn Trường Thành - Văn phòng Luật sư Vạn Lý - đại diện cho Cty Trường Hải cho rằng, quyết định của tòa sơ thẩm như trên là vi phạm điều 11 luật Thương mại, “nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại”.
 

Trụ sở Thaco KIA Đà Nẵng
Trụ sở Thaco KIA Đà Nẵng


Cũng theo luật sư Thành, Trường Hải ủy quyền cho ông Phạm Thanh Sơn tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Việc tòa xác định ông Sơn đại diện bị đơn là trái nội dung ủy quyền, vi phạm điều 74 BLTTDS. Tòa sơ thẩm còn vi phạm điểm 9, điều 58 BLTTDS không thông báo việc thay đổi nội dung đơn khởi kiện và vi phạm điểm c, khoản 1 điều 60 BLTTDS “tước” yêu cầu phản tố của Trường Hải. Ngoài ra, ông Tuấn không yêu cầu tòa xử cho chuyển đổi hình thức Cty TNHH từ 2 thành viên thành 1 thành viên nhưng tòa sơ thẩm xử là vượt quá nội dung khởi kiện…

Bất chấp những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và nội dung, HĐXX phúc thẩm vẫn cho rằng tòa sơ thẩm xử đúng và tuyên y án, chỉ sửa một phần liên quan đến giá trị việc mua lại nguyên liệu, phụ tùng. Đối với việc đột ngột xác định Trường Hải là bị đơn, HĐXX lập luận tòa sơ thẩm có thiếu sót nhưng chỉ mang tính hình thức không quan trọng.

Dù vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

Trở lại vụ việc, sau một năm liên doanh, ngày 27/12/2010, ông Tuấn nộp đơn khởi kiện dân sự Thaco Đà Nẵng tại TAND TP Đà Nẵng với nội dung: yêu cầu chia lãi; tuyên bố tất cả các hợp đồng mà Thaco Đà Nẵng đã ký với Cty Trường Hải là vô hiệu... Trong đơn khởi kiện này, nguyên đơn xác định Thaco Đà Nẵng là bị đơn và Cty Trường Hải là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Ngày 1/12/2011, ông Tuấn có đơn xin thay đổi nội dung khởi kiện: “Đề nghị quý tòa giải quyết về việc chuyển nhượng vốn góp của hai bên: Hồ Đắc Tuấn và Cty Trường Hải theo các nguyên tắc và quy định của pháp luật”.

Ngày 9/5/2012, Tòa kinh tế, TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử vụ án “Tranh chấp về chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên Cty”, nguyên đơn: ông Hồ Đắc Tuấn. Nhưng điều ngạc nhiên nhất, lúc này bị đơn dân sự lại là Cty Trường Hải. Điều đáng nói, Cty Trường Hải bị thay đổi địa vị tố tụng bất thường, trong khi chưa kịp có một phiên hòa giải nào dẫn đến kết quả hoàn toàn bất lợi cho DN. Một yếu tố pháp lý quan trọng nữa là, giữa hai thành viên góp vốn chưa có hợp đồng chuyển nhượng, chưa đạt được các thỏa thuận về giá cả và điều kiện chuyển nhượng bằng một hợp đồng có giá trị pháp lý thì lấy cơ sở nào để Tòa kinh tế Đà Nẵng buộc Cty Trường Hải phải thực hiện nghĩa vụ ?

Trước tòa, ông Tuấn cho rằng, giá chuyển nhượng của Cty Trường Hải đưa ra không đúng với giá trị DN nên không đồng ý, nhưng cũng không đồng ý chuyển nhượng lại phần vốn góp của mình cho Cty Trường Hải. Thế nhưng, bất ngờ tòa tuyên: buộc Cty Trường Hải chuyển nhượng 50% số vốn góp tại Thaco Đà Nẵng cho ông Tuấn; buộc Cty Trường Hải mua lại toàn bộ nguyên liệu, phụ tùng theo giá trị sổ sách của Thaco Đà Nẵng.

Tuy nhiên, theo điểm e, khoản 1 - Điều 41 Luật DN và tại điểm h, Điều 41 luật DN quy định quyền của thành viên, pháp luật cho phép chuyển nhượng quyền góp vốn trong Thaco Đà Nẵng (hoặc không), thuộc về quyền định đoạt của Cty Trường Hải.

Một điều khó hiểu nữa trong việc tòa lại căn cứ Điều 23, 27, NĐ số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ “Về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành Cty cổ phần” để xác định giá chuyển nhượng vốn góp. Trong khi đó, việc chuyển vốn ở đây là giữa hai thành viên góp vốn trong Cty TNHH do tư nhân thành lập.

Luật sư Nguyễn Trường Thành cho rằng, việc tòa... hô biến “người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan” thành “bị đơn” là một sai phạm nghiêm trọng chứ không đơn thuần là “thiếu sót nhưng chỉ mang tính hình thức không quan trọng”. DĐDN tiếp tục trở lại thông tin này.

Theo DDDN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang