Kỳ công nuôi yến: Ấp trứng thay chim

author 07:53 28/01/2013

(VietQ.vn) - Những năm gần đây, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa (gọi tắt là Công ty Yến sào Khánh Hòa) đã thực hiện thành công việc di đàn chim yến, ấp nở nhân tạo và nuôi yến trong nhà. Người có công đầu trong lĩnh vực này là Tổng Giám đốc Lê Hữu Hoàng.

Khai thác Yến Sào

 “Vàng trắng” của biển

Không ngẫu nhiên khi dự án nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ được thực hiện tại Khánh Hoà. Vùng đất mệnh danh “vua yến của Việt Nam” hàng trăm năm qua vẫn được xem là nơi thuận lợi và thích nghi đặc biệt cho loài chim quý này cư trú, dù cả nước có tới 24 địa điểm có chim yến vào nhà làm tổ và sinh sống.

Thêm một lý do hết sức thực tế: yến sào, “vàng trắng” của biển khơi vốn là sản vật quý hiếm từ xưa, được các vua nhà Nguyễn coi như tài nguyên quốc gia. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), hình chim yến đã được khắc trên Tuyên Đỉnh đặt ở thế miếu trong hoàng thành Huế. Xuất khẩu yến sào mỗi năm mang lại cho tỉnh Khánh Hoà hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong khi một số nước như Malaysia, Indonesia, công nghệ nuôi yến đã phát triển trước hàng chục năm và sản phẩm bán ra thị trường phần lớn là yến nuôi trong nhà, thì yến sào Việt Nam nói chung và Khánh Hoà nói riêng vẫn chủ yếu thu hoạch từ nguồn tổ tự nhiên trên các đảo.

Thế nhưng, ngay cả với nghề nuôi yến trong nhà, bước đầu có dấu hiệu phát triển khá mạnh tại một số vùng của Việt Nam và ở một số quốc gia được xem là cái nôi của nghề này như Indonesia, người nuôi vẫn sử dụng phương pháp gọi yến thiên nhiên vào nhà là chính.

Tổ chim Yến

Hết thời “bứng tổ, đổ trứng”

Một lần trò chuyện về nuôi yến trong nhà, anh Lê Hữu Hoàng có đề cập đến Trung tâm Kỹ thuật công nghệ nuôi chim yến (Sanatech) của Công ty Yến sào Khánh Hoà - nơi nghiên cứu thành công kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà. Chớp lấy cơ hội, chúng tôi đề nghị anh được tham quan mô hình ấp nở chim yến nhân tạo tại đây.

Theo các cán bộ của Trung tâm Sanatech, để dẫn dụ chim yến vào làm tổ, sinh sản, nhà yến phải đảm bảo từ độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng đến âm thanh đặc trưng của loài chim yến. Ngôi nhà này phải có mùi như mùi phân chim yến quyện lẫn mùi của biển trong hang yến tự nhiên.

Vừa bước vào phòng ấp nở nhân tạo, chúng tôi đã nghe ríu rít tiếng chim yến non. Một vài nữ nhân viên đang dùng những chiếc nhíp nhỏ, gắp từng miếng mồi mớm cho chim con trong tổ nhân tạo. Vừa hướng dẫn chúng tôi tham quan, kỹ sư Nguyễn Xuân Viễn - Giám đốc Trung tâm Sanatech, vừa giới thiệu về quá trình nghiên cứu và quy trình ấp nở chim yến.

Chuyện rằng, từ hàng trăm năm nay, khi khai thác tổ yến, gặp phải trứng hoặc chim non, những người khai thác yến thường vứt bỏ trứng để lấy tổ. Bởi vậy ngày trước, nhiều người châm chọc gọi khai thác yến là nghề “bứng tổ, đổ trứng”. Trong quá trình quản lý và khai thác yến sào, lãnh đạo Công ty Yến sào Khánh Hòa đã nảy sinh ý tưởng ấp nở yến nhân tạo.

Năm 2002, công việc này được giao cho một nhóm kỹ thuật nghiên cứu, chế tạo máy ấp có thể ấp nở trứng yến thu nhặt ở đảo, sau khi thu hoạch yến sào vụ 1 hàng năm vào cuối tháng Tư.

Qua nhiều nghiên cứu, thử nghiệm cân chỉnh với những thang nhiệt độ khác nhau, đến cuối năm 2005, công trình hoàn thành. Và đến giờ, đi khai thác gặp trứng hay chim non, anh em công nhân đều thu gom mang về để trung tâm “chăm sóc”.

Nuôi chim như… con

Anh Viễn cho biết, ở đây chim yến được chăm sóc rất kỹ. Tất cả đều có chế độ, quy trình riêng theo số ngày tuổi của chim, từ nhiệt độ môi trường, thành phần và hàm lượng thức ăn, số lần cho chim ăn…

Trong ngôi nhà nuôi yến nhân tạo, các nhân viên kỹ thuật là “bố mẹ” của chim. Không chỉ mớm mồi, họ còn tập cho chim bám tổ, tập bay và một số kỹ năng khác để khi thả về môi trường tự nhiên, chim có thể hòa nhập với bầy đàn.

Chăm sóc chim con

Sự thành công của máy ấp nở yến nhân tạo đã mở ra bước đột phá, chắp cánh khát vọng nhân rộng đàn yến mà Công ty Yến sào Khánh Hòa nung nấu từ lâu. “Ngày lứa yến đầu tiên ra đời, chúng tôi mừng đến rơi nước mắt. Bởi từ đây, với số chim yến được ấp nở, chúng tôi có thể mở rộng hơn việc di đàn chim yến, nuôi yến trong nhà lấy tổ”, Tổng Giám đốc Lê Hữu Hoàng nhớ lại.

Cùng với chiếc máy ấp trứng, Công ty Yến sào Khánh Hòa còn nghiên cứu kỹ lưỡng môi trường sinh thái, điều kiện sống của loài chim yến ở đảo để xây dựng quy trình ấp nở yến nhân tạo và nuôi yến trong nhà; chế tạo thành công các công cụ hỗ trợ ấp nuôi chim yến, các thiết bị, vật tư ngành yến sào phục vụ xây dựng nhà yến.

Ấp nở yến nhân tạo là cả một kỳ công, nhưng để đưa đàn yến này về đảo, vào trong nhà nuôi yến để gây đàn là cả quá trình nghiên cứu khó khăn mà chỉ có những bí quyết nghề nghiệp tích lũy được mới có thể thực hiện.

(Bài 2: Chăm chim, nghề “con mọn”)

Hà Nhân – Xuân Thành

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang