Kỳ công nuôi yến: Chăm chim, nghề “con mọn”

author 08:03 31/01/2013

(VietQ.vn) - Việc ấp nở nhân tạo và nuôi chim con được xem là giải pháp phát triển đàn chim yến nhà mang tính bền vững. Đó cũng đồng thời là tiền đề để hoàn chỉnh quy trình công nghệ nuôi chim yến trong nhà, từ khâu ấp nở nhân tạo đến nuôi chim con và chim làm tổ tại ngôi nhà yến.

Điều kiện chín muồi để thực hiện dự án “Nuôi chim Yến trong nhà để lấy tổ” xảy ra vào năm 2004. Qua nhiều đợt khảo sát khoa học quần thể chim yến, Công ty yến sào Khánh Hòa xác định được chim sinh sống và làm tổ tại khu nhà 155 Thống Nhất, TP. Nha Trang. Tại thời điểm đó, công ty đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp quản lý, bảo vệ.

Hai năm sau, từ một căn phòng duy nhất hơn 100 con sinh sống, đàn chim đã phát triển gấp 10 lần, số tổ chim cũng tăng lên nhanh chóng; đồng thời phát triển sang nhiều phòng khác.

Cùng với việc bảo vệ đàn chim bố mẹ, công ty cũng bắt đầu triển khai ấp nở nhân tạo, nuôi và đưa chim con vào để phát triển nhanh bầy đàn trong những ngôi nhà yến mới.

Ấp nở và nuôi chim con

Trứng chim thu từ các đảo yến trong vịnh Nha Trang sau những mùa thu hoạch tổ được tuyển chọn cẩn thận trước khi đưa vào ấp. Tất cả phòng ấp, máy ấp và các dụng cụ liên quan đều được khử trùng nghiêm ngặt, nhằm giảm thiểu tối đa mầm bệnh cho chim con.

Trứng đủ tiêu chuẩn phải nguyên vẹn, không rạn nứt, vỏ trứng nhẵn, hình ô van, không dính một loại hóa chất nào trên bề mặt. Những quả trứng được xác định chắc chắn là tốt còn phải qua công đoạn soi đèn.

Khi trứng đưa vào ấp, việc quan trọng ngay trong ngày đầu tiên là phải đảo trứng để phôi không bị lòng đỏ ép vào thành trứng làm ngừng sự phát triển, gây phôi chết.

Máy ấp trứng
Máy ấp trứng

Máy ấp trứng do đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của Công ty Yến sào nghiên cứu và chế tạo. Máy tự động điều chỉnh nhiệt độ. Tự động đảo trứng với chu kỳ 2giờ/lần. Trứng được đảo theo trục xoay từ 90 - 120o.

Lúc ấp trứng, máy được cài tự động, nhiệt độ ở 36,5 - 38oC. Sau 12 ngày ấp, trứng được cho ra khay và khay vẫn được đặt trong máy ấp ở nhiệt độ 36,5 oC, lúc này chim bắt đầu nở. Ba ngày đầu sau khi nở, chim vẫn được để trong máy ấp, sang ngày thứ 4 mới đưa vào máy nuôi chim con.

Bằng công nghệ này, Công ty yến sào Khánh Hòa đã tiến hành các đợt ấp nở trên nhiều lô trứng ở những thời điểm khác nhau. Kết quả, tỷ lệ trứng nở đạt 78,5% và chim con mới nở đạt trọng lượng trung bình 1,67 gram.

Một thành công ngoài mong đợi. Kết quả này còn thể hiện hiệu quả vượt trội của máy “ta” so với thiết bị ngoại nhập khi tiến hành đối chứng.

Bốn ngày sau khi nở, chim được đưa vào tổ giả (chế tạo giống như tổ thật), rồi đưa vào máy nuôi. Máy nuôi cũng do các cán bộ khoa học kỹ thuật của công ty nghiên cứu và chế tạo.

Thời kỳ chăm sóc chim con, từ việc bảo đảm các yếu tố môi trường sống của chim con thật ổn định, cho đến việc vệ sinh, theo dõi cho chim ăn từng giờ, công việc đòi hỏi các kỹ thuật viên phải làm việc một cách khoa học, cần mẫn và tỉ mỉ; bởi họ là những người thay thế hoàn toàn công việc chăm sóc của chim bố, mẹ.

Cho chim ăn

Theo các kỹ thuật viên, để chim ăn tốt, trước hết phải dựa vào đặc tính sinh học của chim. Chẳng hạn kế hoạch cho chim ăn phải dựa vào nghiên cứu giờ giấc cho ăn của chim mẹ. Lúc chim còn nhỏ, nhu cầu dinh dưỡng rất cao để hoàn thiện các cơ quan, phải dựa vào đó để tính toán khẩu phần ăn và điều chỉnh số lần cho ăn hợp lý.

Máy nuôi chim con phải giải quyết được khâu quan trọng là ổn định các điều kiện: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, sự thông thoáng và ngăn ngừa nguồn bệnh giúp chim yến con phát triển tốt như ở môi trường tự nhiên mà vốn dĩ loài chim quý này thích nghi và tồn tại.

Xây nhà cho yến

Khi xúc tiến việc xây dựng những ngôi nhà yến, điều phải quan tâm trước tiên là chống địch hại của loài chim yến gồm mèo, rắn, rết, chuột, gián... Không bảo đảm khả năng chống địch hại cũng có nghĩa là môi trường sống của chim yến nhà bị đe dọa, dễ dẫn đến nguy cơ đàn chim yến bị hao hụt hoặc chim tự dời đi nơi khác.

Nhà yến phải xây ở những nơi thích hợp có nhiều cây cối, ruộng vườn, môi trường mát mẻ và có nhiều côn trùng tự nhiên để chim ăn. Phía trên ngôi nhà thì đặt nhiều lỗ nhỏ thông hơi từ trong ra ngoài.

Sau khi xây nhà xong, chim con trên 50 ngày tuổi được đưa vào để làm quen môi trường sống tự lập. Khoảng 56 - 58 ngày tuổi, chim bắt đầu tập bay, khả năng bay lượn nhiều vòng và bắt đầu tự kiếm ăn ở môi trường bên ngoài.

Một ngôi nhà của chim yến
Một ngôi nhà của chim yến

Lứa chim yến đầu tiên do Công ty yến sào Khánh Hoà thực hiện ấp nở phát triển rất tốt. Buổi sáng chim đi kiếm ăn từ 5 giờ 30 - 7 giờ. Buổi chiều chim về từ 16 – 19 giờ; trong đó 18 giờ 30 là thời điểm chim về nhiều nhất.

Trước khi “vào nhà”, chim bay lượn rất nhiều vòng để “làm quen”. Cán bộ kỹ thuật bật tiếng chim kêu tạo môi trường quen thuộc cho chim vào ở. Trong số 5 phòng của ngôi nhà yến có 3 phòng chim vào rất nhiều. Xong giai đoạn này, công ty lại cho ấp nở và nuôi những đợt kế tiếp.

Cùng với thành công trong công nghệ ấp nở trứng, tạo nguồn giống, Công ty yến sào Khánh Hòa còn thực hiện các giải pháp được coi là bí quyết công nghệ như: di đàn và tạo môi trường sống để phát triển nhanh bầy đàn chim yến.

Đó cũng là một nội dung quan trọng của dự án “Nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ” đã thành công ở các ngôi nhà do công ty trực tiếp triển khai. Công ty cũng đã tiến hành chuyển giao công nghệ này và thu được kết quả khả quan tại một số địa điểm thuộc khu vực miền Trung và niềm Nam.

Hà Nhân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang