Ký kết EVFTA và EVIPA: ‘Chở’ công nghệ sạch hướng đến phát triển bền vững

author 11:04 08/07/2019

(VietQ.vn) - Hiệp định EVFTA và EVIPA vừa được ký kết là cơ hội cho các DN Việt phát triển khi có thể tiếp cận thị trường rộng mở với trên 500 triệu dân, tuy nhiên đây cũng là thị trường khắt khe, gắn liền với những tiêu chuẩn và chất lượng rất cao…

Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với Liên minh châu Âu (EU) vừa được ký kết không chỉ có ý nghĩa quan trọng về kinh tế mà còn là con đường "chở" những công nghệ cao, công nghệ sạch hướng đến sự phát triển bền vững của cả hai nền kinh tế. PV Chất lượng Việt Nam Online đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để làm rõ vấn đề trên.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). 

Thưa ông, Việt Nam và EU đã đi đến bước ký kết 2 hiệp định EVFTA và EVIPA vào ngày 30/6 vừa qua. Theo đánh giá của ông hiệp định này sẽ đem đến cơ hội và thách thức như thế nào với doanh nghiệp (DN) Việt?

Trước hết, đây là cơ hội cho các DN Việt Nam có thể tiếp cận thị trường rộng mở với trên 500 triệu dân. Chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu rất nhiều mặt hàng vào thị trường EU bởi EVFTA đã đề ra lộ trình cắt giảm thuế quan rất tích cực, 70% dòng thuế của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu đã giảm xuống bằng 0 và 65% hàng hóa từ châu Âu xuất sang thị trường Việt cũng như vậy.

Mặt khác, DN Việt có thể tiếp cận một nền công nghệ hàng đầu trên thế giới cũng như những dịch vụ cao cấp với giá cả hợp lý. Do đó hiệp định sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN khi làm ăn với những đối tác hàng đầu ở châu Âu. Đây cũng là dịp để DN Việt có thể học tập công nghệ để nâng cao trình độ về quản trị, kinh doanh, tầm nhìn và phát triển bền vững.

Hai hiệp định này còn tạo thành động lực thúc đẩy sự phát triển của thể chế và môi trường kinh doanh của Việt Nam. Đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch hơn từ đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN chân chính có thể phát triển.

Bên cạnh đó, thách thức đối với DN là phải đạt được những chuẩn mực về hệ thống quản trị, quy trình sản xuất cũng như chất lượng của hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU. Chúng ta đều biết thị trường này gắn liền với tiêu chuẩn, chất lượng rất cao. Ví dụ như yêu cầu vệ sinh dịch tễ rất chặt chẽ, ngoài ra còn có những yêu cầu tuân thủ an toàn lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tất cả những điều này đòi hỏi các DN Việt phải có sự đầu tư thỏa đáng nhằm cải thiện công nghệ, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Do đó, hiệp định đòi hỏi chi phí tuân thủ của các DN Việt rất lớn. Vì vậy nếu xét về đầu tư ngắn hạn thì đó là thách thức không nhỏ đối với DN. Tuy nhiên, đối với dài hạn điều đó sẽ giúp các DN có thể nâng cấp và đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Trong EVFTA lĩnh vực công nghệ cao khá tiềm năng để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên khi các DN Việt cần rất nhiều công nghệ mới để nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh. Vậy ông đánh giá như thế nào về sự hợp tác trong lĩnh vực này?

EU chính là nơi khởi nguồn của công nghệ, khởi nguồn của rất nhiều quỹ đầu tư tài chính toàn cầu, của các thể chế tài chính hàng đầu thế giới. Do đó khi được làm việc với các đối tác châu Âu, DN Việt có điều kiện thuận lợi để nâng mình lên. Ví như yêu cầu bảo vệ môi trường và công trình xanh, trên thế giới, EU đang là nơi đi đầu về công nghệ này.

Trong khi đó, Việt Nam đang trong giai đoạn hướng đến các FTA thế hệ mới, đầu tư chất lượng, có trách nhiệm hơn, có công nghệ cao hơn, có giá trị gia tăng lớn hơn, thân thiện với môi trường hơn, cam kết phải đảm bảo kết nối được với các DN nội địa, gắn kết với cộng đồng trong nước lớn hơn… Hiệp định EVFTA sẽ là nền tảng và các đối tác từ EU là thích hợp nhất, sẽ đáp ứng hiệu quả cho Việt Nam về vấn đề này.

Hiện nay, hơn 100 kỹ sư Việt Nam đang làm phần mềm về 5G cho Ericsson ở TP. Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, Ericsson sẽ đẩy mạnh hợp tác cùng DN Việt trong nghiên cứu phát triển chứ không chỉ là gia công, lắp ráp.

Lắp ráp ô tô tại nhà máy Toyota Việt Nam. Ảnh: Toyota.

Ngoài ra, một số DN ngành da giày hiện không còn làm ở các công đoạn mang lại giá trị gia tăng thấp như gia công theo đơn đặt hàng, mà còn thiết kế mẫu mã, tiến sâu vào chuỗi giá trị của EU. Bằng cách đó, cả Việt Nam và EU đều được hưởng lợi và mối quan hệ hợp tác giữa DN hai bên ngày càng hợp tác một cách bền vững.

Cộng đồng DN Việt mong muốn sẽ có những mô hình tốt nhất trong hợp tác giữa các DN công nghệ cao của EU và Việt Nam trong thời gian tới. Tôi nghĩ rằng, "con đường cao tốc" Việt Nam-EU sẽ là con đường "chở" những công nghệ cao, công nghệ sạch để hướng đến sự phát triển bền vững của cả hai nền kinh tế.

Vậy theo ông những DN trong nước cần có sự chuẩn bị như thế nào để đón nhận các tác động của hiệp định kể cả trong ngắn hạn và dài hạn?

Chúng ta thấy rằng, các DN châu Âu có nhiều lợi thế vì họ nắm giữ công nghệ nguồn và có nhiều kinh nghiệm cũng như thị trường lớn trong lĩnh vực công nghệ cao nói chung, về năng lượng nói riêng - yếu tố rất thuận lợi để các DN EU có thể tham gia mạnh mẽ vào thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự chuyển giao công nghệ của các DN châu Âu đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Họ sẵn sàng kết nối, hợp tác với DN Việt trong nghiên cứu và phát triển, trong đào tạo nguồn nhân lực. DN trong nước cần vươn lên trong việc nâng cao trình độ quản trị, công nghệ thông qua việc chủ động hợp tác với các DN châu Âu để thực hiện hiệu quả đích đến cuối cùng là có chân trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Do đó về phía DN Việt cần hết sức chủ động trong việc nâng cao trình độ quản trị và công nghệ của mình. Đặc biệt DN cần rất cảnh giác và lưu ý việc lựa chọn công nghệ trong bối cảnh hiện nay. Bởi công nghệ đang thay đổi hằng ngày hằng giờ và không tránh khỏi có nền kinh tế hay DN lợi dụng chuyển công nghệ lạc hậu sang Việt Nam. Nếu DN Việt không tỉnh táo sẽ trở thành nơi quy tập rác thải của công nghệ thế giới.

Vì vậy, bắt kịp được công nghệ hàng đầu trong kỷ nguyên số ở những quốc gia EU thông qua hiệp định EVFTA là một trong những phương thức để Việt Nam có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và phát triển bền vững.

Cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh: ‘Thực hiện EVFTA càng sớm lợi ích mang lại càng cao'(VietQ.vn) - “EVFTA mặc dù có lợi thế giảm thuế nhưng hàng rào thuế quan không phải là tất cả”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang