Kỹ năng thoát hiểm ‘phải thuộc lòng’ khi nhà cao tầng bị cháy

author 19:53 06/11/2016

(VietQ.vn) - Chạy ra phía cửa khi xuất hiện khói, tận dụng các vật dụng cứu hộ để thoát thân... là những kỹ năng thoát hiểm khi nhà cao tầng xảy ra cháy.

Khi xảy ra hỏa hoạn, con người thường rơi vào trạng thái hoảng loạn, đây là trạng thái khó chế ngự bởi sự hoảng loạn đã làm cho tình trạng trầm trọng thêm và triệt tiêu khả năng tích cực của con người.

Kỹ năng thoát hiểm từ đám cháy

Khi gặp hoả hoạn, con người phải chế ngự sự hoảng loạn bằng cách: Tự nhủ mình phải làm gì? Xác định vị trí mình đang ở đâu? Lửa cháy phía nào? Chạy lên hay chạy xuống? Trái hay phải? Cửa sổ – lan can hoặc lối thoát hiểm gần nhất?...

Khi ra được lang can hay sân thượng thì phải xác định hướng gió để chọn góc lánh nạn hợp lý bởi vì khi đứng ngược gió thì tốc độ cháy lan sẽ chậm và ảnh hưởng của lửa, khói, sức nóng sẽ giảm... từ đó sẽ có nhiều thời gian để thoát hiểm hoặc chờ cứu hộ.

Định hướng lối thoát hiểm hành lang chạy ra ngoài: Cần tập cho mình thói quen kiểm tra xung quanh khi đến một nơi mới. Việc này không tốn nhiều thời gian và sẽ giúp ta chế ngự được hoảng loạn, quyết định nhanh và hợp lý khi có hỏa hoạn.

Một mảnh vải xé vội từ áo, quần… thấm lên chút nước bịt vào mũi sẽ trở thành tấm mặt nạ phòng độc

Ngửi thấy mùi khói thì phải ra nhanh phía cửa. Khi chạy ra ngoài, hãy men theo bờ tường để giữ được phương hướng trong hoảng loạn lửa và khói. Nếu đi giữa hành lang, dòng người náo loạn sẽ xô lấn lên nhau. Cùng lúc đó, tay vịn vào lan can để tránh bị xô lấn không thể gượng dậy được.

Một mảnh vải xé vội từ áo, quần… thấm lên chút nước bịt vào mũi sẽ trở thành tấm mặt nạ phòng độc (nhớ nên xếp vải hình tam giác, một cạnh được ngậm vào miệng sẽ giúp lọc khí và dễ thở hơn). Nên nín thở khi khói độc xộc tới, vì nạn nhân sẽ dễ bị ngạt khói.

Khi lửa táp vào người, không được bỏ chạy bởi càng chạy lửa sẽ càng cháy mạnh. Hãy dùng vải, khăn, quần áo, mousse xốp, giấy thấm nước ốp mạnh quanh người lửa sẽ tắt.

Trong khi thoát ra trong khói lửa, ta dùng 1 cái khăn, quần áo đã thấm nước xoay tròn cũng làm giảm chút ít áp lực của sức nóng khói lửa.

Tận dụng vật cứu hộ khi thoát thân

Trong điều kiện lực lượng cứu hộ chưa có mặt, người bị cháy hãy quan sát mọi thứ như: Ống nước PCCC có ở tất cả các tòa nhà và phải trải dài đủ để tiếp đất - tấm phông hội trường - màn cửa - khăn bàn xé ra nối lại cũng trở nên hữu dụng. Dây vòi rồng PCCC, vòi xịt là những vật cứu hộ chắc chắn, ống máng xối thoát nước...tận dụng để “thoát thân”, nhưng nên quấn quanh bàn tay trước khi tuột xuống.

Có thể nhảy xuống một bụi cây, một mái hiên, hàng quán, một đống cát, rác, nóc mui xe, mái tôn… sẽ bớt được tổn thương.

Khi chạy ra ngoài, hãy men theo bờ tường để giữ được phương hướng trong hoảng loạn lửa và khói. 

Lưu ý, có thể ôm một cái bàn, tấm ván, cánh cửa… để nhảy xuống sẽ làm giảm đáng kể lực hút và phản lực từ mặt đất. Nhưng nguyên tắc là nhảy sao để chân trong tư thế chùn đầu gối khi tiếp đất và đưa người về phía trước sẽ cứu được bộ xương chân.

Tự đề cao cảnh giác

Khi làm việc hoặc sinh sống trong nhà, cần xác định vị trí, con đường ngắn nhất dẫn đến lối thoát hiểm chính và những lối thoát hiểm phụ, lối thoát hiểm bất đắc dĩ.

Khi hội họp, học tập hoặc có những người mới; cần xác định vị trí phòng họp các vị trí thoát hiểm, hướng dẫn mọi người bằng thực tế và dán bảng hướng dẫn trước cửa phòng hoặc nơi dễ nhìn thấy. Đặc biệt, phải tuyên truyền về vị trí, phương tiện chữa cháy, cầu dao điện chính và phân công nhiệm vụ để ứng xử khi có sự cố.

Khi xảy ra sự cố cháy, khói cháy chứa hơi khí độc như Cacbon dioxit, Cacbon Monoxit, Hydrogen Clorid, Amoniac, Acid hữu cơ... nhưng Oxit Cabon là thành phần chủ yếu và cũng là nguyên nhân chính gây tử vong (80% số trường hợp trong 12 giờ đầu).

Khí Oxit Cabon gây ngộ độc cấp tính khi nạn nân hít vào. Tác hại của Oxit Cabon càng tăng khi có sự cố gắng về thể lực. Vì vậy trong các vụ cháy, nạn nhân chết nhiều là do cố gắng vùng vẫy trong cơn hoảng loạn làm cho ngộ độc ập đến nhanh, nạn nhân ngã quỵ nhanh.

Khi bị nhiễm độc, nạn nhân có biểu hiện đau nhức từ thái dương hoặc đau nhức ở trước trán, chóng mặt, mắt mờ, tai nghe không rõ, nôn mửa, lảo đảo muốn té ngã, huyết áp tăng dần đến giai đoạn ngộ độc. Từ đó bắp chân đột ngột mất sức, nạn nhân quỵ tại chỗ, không thể đứng dậy di chuyển khỏi nơi có khí độc, nạn nhân sẽ thấy buồn ngủ dữ dội và không thể mở mắt được, tim đập nhanh rồi dần chậm lại, áp xuất máu giảm, hôn mê.

Nạn nhân chỉ có khả năng khỏi dần khi được nhanh chóng đưa ra khỏi vùng có khí độc và đưa đi cấp cứu.

 Bảo Anh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang