Kỷ nguyên mới cho truyền máu Việt Nam

author 08:54 23/08/2016

(VietQ.vn) - Cụm công trình của các nhà khoa học ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã mở ra một hướng đi mới cho hoạt động truyền máu ở Việt Nam.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Mới đây, tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Viện Huyết học) đã diễn ra buổi gặp gỡ giữa Bộ KH&CN và đại diện nhà khoa học, y bác sĩ của Viện Huyết học.

 Buổi gặp mặt giữa đại diện Bộ KH&CN và Viện Huyết học

Tại buổi gặp mặt, ông Đặng Quang Huấn, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng – Bộ KH&CN đánh giá cao thành quả lao động của các nhà khoa học huyết học trong công tác nghiên cứu, phát triển công nghệ truyền máu để phục vụ cấp cứu. Thành quả ấy phần nào được thể hiện bằng việc cụm công trình mang tên: “Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị” do nhóm 5 tác giả của Viện Huyết học đã được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt V.

GS. TS. Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, một trong 5 tác giả của cụm công trình chia sẻ: Đây là một cụm công trình rất đồ sộ, xuất phát từ thực tiễn ứng dụng những công nghệ hiện đại, tiên tiến của quốc tế, có sự sáng tạo và cải tiến cho phù hợp với hoàn cảnh của nước ta để phục vụ cho thực tiễn Việt Nam. Trải qua gần 12 năm nghiên cứu và phát triển (từ tháng 1/2004 đến tháng 12/2015), cụm công trình này đã giúp hoạt động truyền máu ở Viện Huyết học nói riêng và Việt Nam nói chung đạt được nhiều thành tựu lớn.

 Phòng chuyên môn của Viện Huyết học

Ông Đặng Quang Huấn nhấn mạnh: Cụm công trình khoa học này đã được áp dụng sâu rộng vào thực tiễn tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và trên phạm vi toàn quốc và đã thực sự góp phần đưa truyền máu Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới, an toàn và hiệu quả hơn, góp phần tiết kiệm hàng chục ngàn tỷ đồng, hội nhập được với quốc tế, bởi vậy được cộng đồng ủng hộ và được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.

Cụm công trình này đã bao trùm lên nhiều lĩnh vực của chuyên ngành truyền máu cả về chuyên môn và xây dựng tổ chức gồm: lĩnh vực tuyên truyền vận động hiến máu, tổ chức hiến máu; Lĩnh vực đảm bảo an toàn truyền máu về mặt miễn dịch; Lĩnh vực đảm bảo an toàn truyền máu phòng chống lây nhiễm các bệnh qua đường truyền nhiễm; Lĩnh vực đảm bảo sản xuất các chế phẩm máu chất lượng an toàn; Lĩnh vực đảm bảo sản xuất chế phẩm máu chất lượng an toàn; Lĩnh vực cung cấp máu và chế phẩm tập trung, phân phối tận tới nơi sử dụng; Đã xây dựng được “Ngân hàng máu sống” với lực lượng hiến máu dự bị thực chất, hiệu quả và bền vững tại vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo để đảm bảo cung cấp máu kịp thời cho quân và dân tại các vùng này, góp phần giúp họ yên tâm, canh giữ vùng trời, vùng biển, hải đảo của Tổ quốc Việt Nam; Đã xây dựng và sản xuất được các sinh phẩm chuẩn đoán vừa có chất lượng cao, vừa mang tính đặc thù của người Việt Nam để cung cấp cho các cơ sở truyền máu trên phạm vi toàn quốc giúp triển khai các kĩ thuật mới để đảm bảo an toàn truyền máu về mặt miễn dịch cho người bệnh.

Minh Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang