Ngày Báo chí Cách mạng: Cần báo chí xông vào những nơi 'nhạy cảm'

author 09:42 19/06/2015

Ngày 18/6, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương (T.Ư) và Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo Quốc gia: “90 năm báo chí cách mạng Việt Nam - Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm”.

Báo chí đã trở thành lực lượng hùng hậu, thông tin nhanh nhạy toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội.

Tại hội thảo, ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, báo chí không thể đứng ngoài công cuộc đổi mới, chống tham nhũng, lợi ích nhóm…

Sợ đụng chạm, quy chụp

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, trong 90 năm qua, báo chí nước ta đã có những đóng góp quan trọng vào thành quả chung của công cuộc đổi mới, tích cực phát hiện, đấu tranh kiên quyết với các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Báo chí cũng tham gia giám sát, phản biện chính sách, phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Báo chí đã trở thành lực lượng hùng hậu, thông tin nhanh nhạy toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân.

Tuy nhiên, ông Vũ Ngọc Hoàng cũng chỉ ra một thực tế là có một bộ phận báo chí có xu hướng xa rời tôn chỉ mục đích, thiếu trách nhiệm xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của những người làm báo.  Đặc biệt, trong một số cơ quan báo chí sợ vấn đề “nhạy cảm”. Hễ đụng đến là né tránh, không viết, không nói, kể cả không nghiên cứu, sợ viết sai, nói sai, sợ bị định kiến, sợ đụng chạm, sợ bị đánh giá, bị quy chụp quan điểm…

“Những vấn đề “nhạy cảm” lại được nhiều người quan tâm và cuộc sống đang đòi hỏi phải có câu trả lời. Nếu trả lời đúng, thì xã hội tiến lên, lẩn tránh nó là lẩn tránh thực tế cuộc sống, lẩn tránh trách nhiệm phải trả lời cũng la biểu hiện của thiếu năng lực, thiếu dũng khí”, ông Hoàng nói và khẳng định, khi có vấn đề nhạy cảm là để xông vào, tập trung giải quyết, chứ không phải để tránh xa ra. Tránh né những vấn đề “nhạy cảm”, cũng có nghĩa là chỉ giải quyết những vấn đề bình thường.

Không né tránh những yếu kém, tụt hậu

Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, nước ta, gần 30 năm công nghiệp hóa nhưng vẫn còn có nhiều mặt tụt hậu xa hơn. Mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn quá thấp.  “Khi kết thúc cơ cấu dân số vàng, thu nhập đầu người của Hàn Quốc là 20.000 USD, Nhật Bản là 30.000 USD. Còn Việt Nam theo dự báo cơ cấu dân số vàng sẽ kết thúc vào năm 2025, sau đó là sang giai đoạn dân số già, và lúc ấy thu nhập đầu người của Việt Nam tối đa chỉ khoảng 3.000 USD. Nói cách khác, trong khi họ còn trẻ đã giàu, còn Việt Nam ta già rồi vẫn còn nghèo. Đã già mà vẫn còn nghèo thì coi chừng là cả đời vẫn nghèo mãi, không ngóc lên được”, ông Hoàng cảnh báo.

Cũng theo ông Hoàng, trước khi đổi mới, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc bằng 1/3 của Việt Nam, đến nay chỉ số ấy đã lên trên 3,5 lần. Từ đó các sức mạnh khác của Trung Quốc cũng tăng lên nhiều, và họ cảm thấy đã đến lúc đủ sức độc chiếm biển Đông, trong đó có biển của Việt Nam ta và của một số nước khu vực Đông Nam Á. Ông Hoàng cho rằng, những yếu kém và tụt hậu như vậy không thể né tránh, không thể giấu đi, mà phải chỉ rõ và tìm cho ra nguyên nhân, kể cả nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa, từ đó mà xác định các giải pháp hữu hiệu để thoát ra, để tiến lên.

“Phải đổi mới một cách căn bản và đúng hướng mới giải quyết được tình hình tụt hậu hiện nay, mới chống được tham nhũng, lợi ích nhóm, vượt qua được “bẫy” thu nhập trung bình thấp mà nước ta có thể rơi vào và tránh nguy cơ chệch hướng sang “Chủ nghĩa tư bản thân hữu”, một sự tha hóa nguy hại đất nước và suy đồi văn hóa. Tôi nghĩ rằng, báo chí cách mạng không thể đứng ngoài câu chuyện này”, ông Hoàng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã làm thay đổi cách thức truyền tải và tiếp nhận thông tin trên toàn cầu. Điều này đặt ra nhiều vấn đề trong chỉ đạo, quản lý thông tin như tăng cường cung cấp thông tin chính thống cho báo chí, có cơ chế mở rộng tiếp cận thông tin và phát huy dân chủ trong thông tin.

Theo Tiền phong


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang