Có thể vật liệu xây dựng cầu Vĩnh Tuy không đảm bảo?

author 07:43 06/03/2014

(VietQ.vn) - Có thể vật liệu làm kết cấu cầu Vĩnh Tuy không bảo đảm (do thành phần vật liệu, điều kiện thời tiết quá trình thi công,...), móng trụ cầu không đảm bảo (có thể là thiết kế móng yếu, khảo sát địa chất chưa chính xác,...), xuất hiện tải trọng vượt giới hạn.

Lời Tòa soạn: Sau khi đăng tải các vết nứt cầu Vĩnh Tuy và vụ sập cầu treo Chu Va, chúng tôi đã nhận được các phản hồi của một Thạc sĩ cầu đường - Đại học Paris ( Pháp) viết về vấn đề này. Chất lượng Việt Nam xin giới thiệu với bạn đọc:

 Các vết nứt cầu Vĩnh Tuy

Các vết nứt cầu Vĩnh Tuy

Cầu Vĩnh Tuy nứt không phải chỉ bởi bê tông co ngót

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5574 – 2012 về bê tông cốt thép quy định rõ về độ mở rộng cho phép và chiều sâu cho phép của vết nứt để đảm bảo điều kiện làm việc bình thường cho kết cấu.

Theo đó, để kiểm tra vết nứt cần kiểm tra độ mở rộng và chiều sâu của vết nứt.

Trên quan điểm cơ học: Kết cấu trụ cầu làm việc chủ yếu chịu lực dọc và mô men uốn. Thực tế bê tông có sức kháng nén tốt hơn rất nhiều so với sức kháng kéo, do đó thông thường sẽ xuất hiện các vết nứt theo phương ngang trụ do ảnh hưởng của mô men uốn (yếu tố gây ra thành phần ứng suất kéo), còn lực dọc chủ yếu tác dụng gây nén lên trụ cầu.

Ngoài ra, trong quá trình tính toán, các yếu tố bất lợi đã được kể đến thông qua các hệ số an toàn. Vì vậy xuất hiện vết nứt theo phương dọc (cỡ 10m) là hiện tượng bất thường trong tính toán thiết kế.

Trên quan điểm vật liệu: Độ mở của vết nứt 2,3 - 2,6 mm là rất lớn so với TCVN, mặc dù chưa có số liệu về độ sâu của vết nứt, nhưng với kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm, thử nghiệm công trình, có thể nhận định rằng chiều sâu của vết nứt để đủ khả năng xuất hiện độ mở như vậy là rất lớn, điều đó có nghĩa là sẽ ảnh hưởng thực sự đến sự làm việc của kết cấu, đặc biệt là cốt thép bên trong trụ cầu.

Trên cơ sở những nhận xét đó, có thể thấy rằng quy mô và mức độ của vết nứt xuất hiện không chỉ bởi nguyên nhân do co ngót bê tông, mà còn do kết quả của sự làm việc ngoài giới hạn của kết cấu.

Một vài nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng như vậy: Vật liệu làm kết cấu không bảo đảm (có thể do thành phần vật liệu, điều kiện thời tiết quá trình thi công,...), móng trụ cầu không đảm bảo (có thể là thiết kế móng yếu, khảo sát địa chất chưa chính xác,...), xuất hiện tải trọng vượt giới hạn (xe quá tải).

Để có những kết luận chính xác hơn, cần tiến hành đo đạc về vết nứt, độ mở rộng cũng như chiều sâu, đo đạc về sự làm việc của kết cấu tại vị trí trụ cầu: tần số dao động, chuyển vị,... để đánh giá về sự làm việc của kết cấu từ đó đưa ra các kết luận về quá trình sử dụng tiếp theo của công trình.

Cầu treo Chu Va bị lật: Cần xem lại vị trí bị phá hủy

Nguyên nhân lật cầu treo được xác định là do đứt ắc neo tăng đơ.

Xem xét về vấn đề cầu treo theo quan điểm cơ học:  Cầu treo là dạng kết cấu mềm, hệ kết cấu chủ yếu là hệ dây. Đặc điểm của hệ kết cấu này là chỉ gây ra lực kéo. Do đó, kết cấu dây cáp cần được thiết kế để đảm bảo an toàn cao, đồng thời tại trụ cầu cũng cần được thiết kế tốt đảm bảo chống mô men uốn, đặc biệt tại vị trí chân trụ cầu (kết cấu làm việc theo kiểu công xôn). Như vậy, việc đứt ắc neo tăng đơ, có thể nhận định rằng đó là sự chịu tải trọng quá giới hạn của kết cấu tăng đơ.

Cầu treo Chu Va bị đứt do đâu ?

Cầu treo Chu Va bị lật do đâu?

Đặc điểm quan trọng của kết cấu cầu là thường có nhịp lớn hơn, do đó bản thân cầu khi dao động sẽ xuất hiện nhiều dạng dao động hơn, khả năng xuất hiện hiện tượng cộng hưởng là rất dễ xảy ra, đặc biệt khi tải trọng dạng có chu kỳ (ví dụ bộ đội hành quân trên cầu). Nếu xảy ra hiện tượng cộng hưởng, sẽ khó nhận định về tải trọng thực sự tác dụng lên cầu (không loại trừ khả năng này).

Sự việc xảy ra cho thấy, dây cáp và trụ cầu đủ sức chịu lực, vấn đề nằm ở kết cấu ắc neo tăng đơ là kết cấu thép. Việc phá hoạt kết cấu neo cần kiểm tra về vật liệu cấu tạo, kích thước và chế tạo kết cấu, độ bền của kết cấu. Vị trí phá hoạt tại đúng tiết diện yếu nhất của ắc neo, do đó cần kiểm tra lại thiết kế và chế tạo ắc neo (thông số tiêt diện: diện tích mặt cắt, mô men quán tính,...; các thông số về vật liệu: loại vật liệu, độ bền chịu kéo, nén...).

Nhật Minh (ghi)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang