Ký sự miền Trung: Huế - Quảng trị, người đàn bà lơ xe và cá

author 11:32 30/06/2016

(VietQ.vn) - Sau chuyến đi Đà Nẵng tháng 5, tôi tiếp tục hành trình Từ Huế đến Quảng Trị, những ngày giữa tháng sáu, rời rạc những gương mặt.

d

Huế đón dân Sài Gòn bằng cái nóng đêm 37 độ. Anh tài xế taxi, năm nay 30 tuổi. Hỏi anh lập gia đình chưa, anh nói đã có vợ và một con, hai vợ chồng làm việc mỗi tháng kiếm 3-5 triệu ở Huế là đủ sống nếu không bon chen.

Hỏi anh dân Huế ăn cá biển chưa, anh nói chưa. Năm nay bị vụ cá nặng nên Huế cũng thất thu rất nhiều, nhất là khách du lịch, thường mùa này anh chạy xe liên tục, hôm nay cả ngày chỉ được một hai chuyến. Rồi lại hỏi, anh đoán thử khi nào người ta mà dám ăn lại, anh nói chắc sang năm.

Buổi sáng, Huế vẫn ngột ngạt. Ngồi ngắm sông Hương mãi không biết chán, nhưng đến giờ đi, Huế vẫn nóng, hầm hập. Bạn cùng đường dự báo là ra Quảng Trị còn nóng hơn, chuẩn bị tinh thần.

10h, chúng tôi lên xe, rời bến, chiếc xe đò 16 chỗ có 6 hành khách, bác tài là 7 và người thứ 8 là chị lơ xe đội mũ khẩu trang bịt miệng khéo léo vừa mời chúng tôi vừa xách valy để lên xe thoăn thoắt, chuyên nghiệp.

Có lẽ đây cũng là lần đầu tôi thấy một cô lơ xe, chứ không phải “anh” như thông thường. Tôi cảm khái lắm. Nghề nhọc như thế này, phụ nữ cũng phải làm.

Nói vậy có giống xâm phạm đến nam nữ bình quyền hay không? Hay ở nước tôi, nam cũng như nữ, mà thường nam giới thì sướng hơn vì họ chẳng bị "ba đảm đang" hay "tam tòng tứ đức" choàng vào người. Họ chẳng bao giờ bị “đánh giá” tiết hạnh. Thậm chí, khi họ xấu tính, hẹp hòi, họ bị gọi là “thằng đó đàn ông nhưng tính đàn bà” - cái này đúng là xúc phạm.

Tính đàn bà thì sao? Có biết bao phụ nữ rộng lượng, vị tha, bao dung mà vẫn nhẫn nhịn cam chịu để cho đàn ông đầy đọa? Vậy mà họ vẫn bị xem là tính đàn bà - xấu?

Tôi ngồi bên cửa sổ ngắm những ngôi nhà nhỏ nhắn, cột mảnh, đường diềm trang trí cũng thanh, nhà ở Huế ra đến Quảng Trị đều có hình dáng chung như vậy cả. Ngang qua huyện Hải Lăng, nằm ngay trong trục Đại lộ kinh hoàng của cuộc chiến mùa hè đỏ lửa 1972.

Sau cuộc chiến đó, 3.000 tăng ni và hàng ngàn Phật tử đã quay lại nhặt xác người đem chôn, an táng cẩn thận và làm lễ cầu siêu 7 ngày 7 đêm, sau đó cho xây một Đài Địa Tạng (tượng Bồ Tát Địa Tạng) thuộc xã Hải Trường hiện nay.

Tính ra từ Huế đi tới Đông Hà, khoảng 65 cây số, mất gần 2 tiếng. Chị lơ xe tên Lý, 38 tuổi, nói chuyện có duyên, kể chuyện dân Huế không ăn cá mấy tháng nay. 

Chị kể, mọi năm mùa này, mỗi tháng cũng kiếm được kha khá vì học sinh đi học ở Huế nghỉ hè về thăm nhà. "Giờ tụi nó không về thăm nữa, cá chết thiệt không đơn giản. Cá chết người ta không đi biển nữa, cha không đi biển, mẹ phải đi làm thêm, làm mướn kiếm thêm thì tiền đâu mà cho con về thăm quê, tiền đâu mà mua đồ cho nó đem vô đi học ăn nữa".

"Rồi cha mẹ cũng không có tiền đi thăm con, nên chạy xe ế lắm. Hồi nãy phải đi đường vòng tránh trạm thu phí đó. Một xe 16 chỗ chạy Huế- Đông Hà mất 250.000 tiền dầu thôi, nhưng đóng tiền bến bãi hai đầu đã 100.000 đồng/lượt, tiền trạm thu phí vòng đi vòng về hết 80.000đ, tiền bảo hiểm… mỗi lần đi như vầy nếu thu được 500.000 đồng tiền vé là coi như lời 50.000 đồng/chuyến xe, ngày đi phải ít nhứt 4 chuyến mới có 200.000 đồng/ngày để nuôi con, anh lái xe cũng vậy..."

Chị kể tiếp rằng bây giờ dân không chỉ lo cá chết mà còn nhiều chuyện lo lắm, như sinh viên ra trường thất nghiệp rất nhiều. Bán ruộng, đi biển lo cho con đi học mấy năm đại học, về đây không xin được việc gì làm cả. "Muốn có việc phải có tiền lo lót nữa. Giờ đâu có ai nói xin việc mà là “mua việc” mới đúng"...

Chúng tôi yên lặng nghe chị nói và cũng yên lặng với nhau. Đến bến, chị nói, khi nào về lại Huế thì gọi xe để ủng hộ chị nha, giờ kiếm tiền ngày càng khó. Tôi rất muốn đưa thêm cho chị ít tiền nhưng lại ngại vì biết đâu họ khí khái, từ chối thì đâm ra cái lòng tốt của mình lại làm tổn thương người.

Chúng tôi cứ yên lặng như thế cho đến khi về đến khách sạn.

Cơm trưa trong im lặng, bỗng dưng tôi nhắc đến nhà thơ Hữu Loan, người đã tặng tôi hai ba chữ “không thỏa hiệp” khi tôi hỏi ông về chọn lựa một thái độ sống đúng cho người cầm bút.

Sống tử tế, trung thực, thời nào cũng khó. Sống để giữ gìn phẩm cách của một con người lại càng khó hơn, mấy ai có thể đánh đổi cả cuộc đời. Nhưng điều kỳ lạ nhất mà tôi nhận ra, phần lớn ở những người bị đày đọa trong oan khiên tinh thần của họ ngày càng mạnh, và không bao giờ chịu khuất phục.

Nắng chói chang, nắng lóa mắt

Thành phố Đông Hà đón chúng tôi với thứ ánh sáng kỳ lạ, gọi là nắng chói chang, nắng lóa con mắt. Giờ tôi mới thấy cái nắng chói là như thế nào, một đô thị mới có diện tích cây xanh kha khá nhưng cũng không làm giảm được cái nắng chói sáng của tự nhiên giữa ban trưa này.

Rất may khách sạn Golden ở đầu thành phố khá sạch sẽ và đẹp, căn phòng tôi ở có cửa sổ lớn nhìn ra thành phố, từ trên tầng năm tôi ngắm thành phố giữa cơn nắng trưa, mọi thứ đều lấp lánh. Ngay dưới cánh cửa sổ phòng tôi là một căn biệt thự mái ngói đỏ được xây khá kỹ, kiến trúc đẹp và bố cục chặt chẽ.

Hỏi ra thì biết được khu đô thị này mới được xây dựng nên cũng khá khang trang, khác hẳn với dọc đường đi qua những vùng khô cằn, cát trắng, chỉ có cỏ mọc không có bóng cây.

Ăn trưa, tôi hỏi anh bạn ở Quảng Trị có món gì mà người dân vẫn ăn như món ăn truyền thống, anh nói có vài món: cháo bột cá lóc nấu với củ ném ăn kèm với ớt bột mà nổi tiếng nhất là cháo bột Diên Sanh (một xã thuộc huyện Hải Lăng), lòng sả (lòng heo luộc bằng nước huyết, sả và một số gia vị khác), bánh ướt ăn với nước mắm chấm mà chỉ có xứ này mới làm được.

Vì nước mắm ở đây cũng rất đặc biệt, mùi mắm nồng đến nỗi chỉ cần nhà nào có để chai nước mắm QT, tuy đã được đậy kỹ, nhưng nó vẫn tỏa mùi hương. Vì thế, khi gia đình anh gửi mắm cho anh, anh phải cất rất kỹ để mùi mắm nó không bay khắp nhà. Nước mắm chấm ở đây pha với củ nén và một số gia vị vùng này. Phần lớn rau thơm và các loại rau củ ở xứ này đều có mùi rất thơm. Và dân đây thì ăn ớt khỏi chê luôn.

Chưa kể món bánh bột lọc ở một xã gần Hải Lăng, ngon nhứt xứ, có lần anh ăn cả trăm cái nếu gia đình không cản thì còn ăn nữa. Chúng tôi hẹn hò ngày mai, nhất định phải ăn món ăn xứ Quảng Trị mới được.

Rồi nhớ lại chị Lý lơ xe nói chuyện ăn cá, dân ở xứ này, ngoại trừ dân biển, không có cá thì ăn cái khác, nhưng cuối cùng loay hoay cũng vẫn phải là những thứ ngoài biển, từ cá, tôm đến ghẹ mực.

Khi tôi hỏi một anh lễ tân khách sạn nhà anh có còn ăn hải sản nữa không, anh rất hồn nhiên trả lời rằng chỉ không ăn cá thôi chớ mực vẫn ăn, người ta nói chỉ có cá bị chớ mực không sao cả. Tôi nói lại biển bị nhiễm độc thì các con vật ở biển cũng bị nhiễm độc chớ, chẳng lẽ con mực nó có một cơ chế chống nhiễm độc sao.

Nhưng anh lễ tân khách sạn ấy không trả lời, chỉ gật đầu rồi đi làm việc khác.

Ngân Hà

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang