Kỹ sư Việt chế tạo thành công trực thăng

author 09:31 23/09/2014

Dự kiến trong tuần này, "siêu phẩm" trực thăng thứ hai của kỹ sư nông dân Bùi Hiển sẽ cất cánh sau thời gian chuẩn bị.

kỹ sư việt, kỹ sư nông dân, chế tạo trực thăng, siêu phẩm trực thăng, ông Bùi Hiển

 Kỹ sư nông dân Bùi Hiển bên "siêu phẩm" thứ hai.

"Cha đẻ" máy bay trực thăng Việt Nam Bùi Hiển cho biết, chiếc máy bay thứ hai thiết kế theo dạng trực thăng cánh đơn, hỗ trợ cánh đuôi đã hoàn tất 100%. Sau thời gian chế tạo, lắp ráp, qua nhiều lần thử nghiệm về tốc độ, công suất động cơ, độ rung, lắc, nhiệt lượng, sự cân bằng... chiếc máy bay sẽ bay thử nghiệm trong tuần này.

"Khi kiểm tra, tôi không kéo góc cánh máy bay nên đã không thể cất cánh, không thể nâng lên được mà đứng yên một chỗ. Tuy nhiên, qua đó cũng có thể nhận định, đo đạc được các thông số kỹ thuật có đạt được số vòng quay rotor, sức mạnh động cơ, vấn đề tản nhiệt... rất tốt, máy chạy rất êm" - kỹ sư Hiển nói.

Cũng theo ông Hiển, trong tháng 9/2014 có hai cán bộ Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam và Hiệp hội Những người lao động sáng tạo đến nhà ông xem xét chiếc máy bay thứ hai. Cả hai người này rất hài lòng về "siêu phẩm" này và mong muốn được hỗ trợ, giúp đỡ kỹ sư Bùi Hiển làm giấy phép và cho bay luôn.
 
"Khi khởi động máy bay, tôi kéo ga cứ đến số 1.500 là máy bay có hiện tượng rung, thế nhưng khi kéo ga qua ngưỡng đó thì lại hết rung. Tôi rất băn khoăn, muốn tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục thì một cán bộ trong nhóm cho rằng vấn đề đó không nên lo lắng, điều đó bình thường bởi cái đó là sự cộng hưởng chứ không phải là sự cố, nó thể hiện rõ trong hàng không về nguyên tắc khí động học, còn bên cơ khí gọi là động lực học" - ông Hiển nói.

Chiếc máy bay thứ hai được làm từ động cơ xe thể thao công thức 1 của Mỹ, với công nghệ Nhật Bản, công suất gấp đôi công suất máy ca-nô Yamaha của máy bay đầu tiên. Động cơ mới này có khả năng quay 6.500 vòng/phút, nhưng ông Hiển phải thiết kế với tỉ số sao cho còn 500 vòng/phút khi truyền động tới rotor ở cánh máy bay, thông qua 6 sợi dây cu-roa.
 
Được biết, "cha đẻ" trực thăng Việt Nam bắt đầu nghiên cứu về máy bay từ năm 2009. Trong 3 năm tìm tòi và học hỏi, ông đã thành công bước đầu vớichiếc máy bay đầu tiên mang thương hiệu “Bùi Hiển”. Đến năm 2012, ông đã có sản phẩm hoàn chỉnh, đó là một chiếc máy bay sử dụng cánh đồng trục, có thể bay lên khỏi mặt đất ở khoảng cách hơn 1m, dừng trên không từ 10-15 phút.

Rút kinh nghiệm từ lần thử nghiệm đầu tiên, sau khi có được sự đánh giá của cơ quan chức năng, kỹ sư Bùi Hiển chuyên tâm vào làm chiếc máy bay thứ hai với nhiều cải tiến để đạt đến tiêu chuẩn nước ngoài. Lần này, ông không sử dụng mô hình đồng trục nữa mà làm kiểu trực thăng cánh đơn, hỗ trợ cánh đuôi. 
 
Nếu như chiếc máy bay đầu tiên rất nhẹ chỉ 250kg, sử dụng động cơ ô tô 106 mã lực, có khả năng chở thêm 100kg, thì "siêu phẩm" thứ hai của ông nặng 340kg, sử dụng động cơ 171 mã lực, tiêu tốn khoảng 15 lít nhiên liệu mỗi giờ. Chiếc máy bay mới cũng có sải cánh dài hơn.

Chiếc máy bay đầu tiên ông mất 3 năm để chế tạo, nhưng chiếc thứ hai này mất khoảng gần một năm. Để lái chiếc máy bay đồng trục, ông Hiển đã phải mất 3 tháng nghiên cứu, tập lái ở trong xưởng sản xuất của mình. Còn với chiếc máy bay mới, ông Hiển chỉ mất 1 tháng là có thể làm quen hoàn toàn.  "Tôi muốn lần này, máy bay phiên bản thứ hai sẽ bay cao và xa hơn phiên bản đầu tiên. Bởi tôi rút được kinh nghiệm những gì máy bay trước đó còn hạn chế. Địa điểm bay thử là một bãi đất trống, rộng rãi, không phải bay trong kho như lần bay đầu cách đây mấy năm." - kỹ sư Bùi Hiển quả quyết.

Theo VTC New


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang