Kỳ thi Quốc gia 2015: Không nên đưa Tin học vào môn thi chính

author 07:20 20/08/2014

Lý do chính khiến các hiệu trưởng không ủng hộ việc đưa Tin học thành môn chính trong trường tiểu học, phổ thông là nhiều trường chưa thể trang bị ngay cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học Tin học. Mặt khác, sẽ khó bố trí để tăng thời lượng dạy bộ môn này cho học sinh.

Sự kiện: Kỳ thi THPT Quốc gia 2017

Vừa có ý kiến đề xuất đưa Tin học thành môn chính trong trường tiểu học, trung học cơ sở. Để rộng đường dư luận, ICTnews đã liên hệ với một số hiệu trưởng, lãnh đạo phòng giáo dục để tìm hiểu thêm về vấn đề này. Tâm lý chung của các hiệu trưởng là chưa muốn đưa Tin học thành môn học chính.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Nga, Hiệu trưởng trường tiểu học An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội:

Theo tôi, chưa nên đưa Tin học thành môn chính vì đa phần các trường chưa đủ cơ sở vật chất để học và còn nhiều vấn đề liên quan khác. Ai cũng thấy Tin học, CNTT có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, có thể giúp học sinh học khai thác được rất nhiều kiến thức phục vụ cho đời sống. Tuy nhiên, việc đầu tư trang thiết bị cho việc giảng dạy Tin học cần nguồn kinh phí lớn, phải "có nong có né" mới có thể đạt được hiệu quả. Bởi vậy, dù nhà trường nào cũng thấy Tin học là môn quan trọng nhưng chưa thể đầu tư rộng khắp về cơ sở vật chất. Bản thân trường tiểu học An Dương phải mỗi năm chắt bóp đầu tư một chút, đến năm học này mới phấn đấu đạt 100% các phòng học có máy chiếu đa năng, còn bảng thông minh thì cả trường mới có một chiếc vì giá thành rất đắt. Một vướng mắc khác nữa là về đội ngũ giáo viên. Trường đã áp dụng giải pháp là hỗ trợ một phần kinh phí, giáo viên tự bỏ một phần kinh phí để tự học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tại trường.

thi quốc gia 2015, quản lý giáo dục, tuyển sinh, tốt nghiệp phổ thông, tin học, môn thi chính, phương án 1

Nhiều trường chưa có phòng máy tính với chất lượng và số lượng máy đảm bảo cho việc dạy và học Tin học. Ảnh minh họa

Cô Ngô Thị Liên, Hiệu trưởng trường THCS Quang Lịch, huyện Kiến Xương, Thái Bình:

Nhiều năm rồi, trường Quang Lịch đã có phòng Tin học nhưng số lượng máy của nhà trường không ổn định, khoảng 15 – 20 máy. Tổng số học sinh của trường những năm trước là 290 - 300 em, còn năm nay khoảng 285 học sinh, mỗi lớp khoảng 30 học sinh. Trung bình mỗi tiết học tại phòng Tin học, cứ 2 em học sinh học chung một máy. Một tuần có 2 tiết Tin học, học theo phân phối chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo, những tiết học lý thuyết thì học ở trên lớp, đến tiết thực hành mới đến phòng máy tính. So với quy định về kiểm định chất lượng giáo dục thì 2 em/máy tính là được. Nhưng chất lượng máy đôi khi không được tốt lắm nên trong quá trình dạy học, thực hành Tin học, số lượng máy không đủ để các em thực hành, phải chia thành nhiều ca, tốn thời gian và công sức.

Cá nhân tôi không có quan điểm môn chính, môn phụ mà chỉ là môn ít giờ với môn nhiều giờ, môn tự chọn với môn bắt buộc. Như Tin học hiện xếp là môn học tự chọn. Sắp tới, có thể Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ thay đổi, không đặt Tin học là môn tự chọn mà đưa vào làm môn bắt buộc. Nếu như các môn bắt buộc đều được quan tâm đầu tư tốt hơn thì xếp Tin học vào môn bắt buộc cũng tốt. Tuy nhiên, những năm tới đây, khi các trường chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất thì vẫn nên để Tin học là môn tự chọn.

Ông Nguyễn Anh Minh, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Kiến Xương, Thái Bình:

Hiện nay ở Kiến Xương đã trang bị phòng máy vi tính cho tất cả các trường tiểu học và trung học cơ sở trong huyện. Bình quân mỗi trường trung học cơ sở được 17 máy, trường tiểu học được 14 máy. Các phòng vi tính đều kết nối mạng. Ngân sách đầu tư vận hành phòng máy chủ yếu do huyện hỗ trợ, cùng với một số nguồn kinh phí khác mà các trường có được như từ sự hỗ trợ các các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Dù không có hiện tượng phòng máy tính bỏ không, không sử dụng, nhưng các phòng máy này đều có hiện tượng xuống cấp. Hàng năm, huyện và tỉnh vẫn thường xuyên hỗ trợ thêm kinh phí để đầu tư bổ sung.

Tại các trường tiểu học ở Kiến Xương, bộ môn Tin học được đưa vào giảng dạy đại trà từ lớp 3, theo giáo trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Các lớp của khối trung học cơ sở cũng gần như bắt buộc phải học Tin học. Mỗi tuần có 2 tiết Tin học.

Theo tôi, số lượng tiết Tin học khoảng 2 - 3 tiết/tuần như hiện nay là hợp lý. Bởi Văn, Toán cũng có tới 4 tiết/tuần, chưa kể còn nhiều môn nữa. Nếu đưa Tin học vào làm môn chính rồi tăng thời lượng tiết học thì sẽ khó bố trí thời lượng học tập cho học sinh theo đúng tiêu chí "giảm tải".

Theo Infonet


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang