Kỳ thi Quốc gia 2015: Kinh nghiệm từ nước Mỹ

author 06:53 10/08/2014

(VietQ.vn) - Một phụ huynh người Việt kể chuyện thi cử của con mình ở nước Mỹ, cho chúng ta tham khảo kỳ thi Quốc gia 2015 ở Việt Nam.

Sự kiện: Kỳ thi THPT Quốc gia 2017

Nhân việc Bộ Giáo dục trình 3 phương án Kỳ thi Quốc gia 2015 đang làm nóng diễn đàn của các bậc cha mẹ quan tâm đến việc học hành thi cử của con cái, tôi xin phép được chia sẻ một số thông tin về cách thức thi cử ở New York (NY). 

Như mọi người đều biết, mỗi tiểu bang ở Mỹ đều có sách giáo khoa và cách tổ chức thi cử riêng. Ở NY, kỳ thi Regent được tổ chức mỗi năm ba lần vào tháng một, tháng sáu và tháng tám. Mỗi kỳ thi thường kéo dài 9 ngày - 16 môn (mỗi ngày 2 môn) và một ngày dành cho các thầy cô chấm bài.

Kỳ thi quốc gia 2015 thi ĐH 2015 kinh nghiệm nước mỹ

Cách thi cử nhẹ nhàng ở nước Mỹ gợi ý cho Kỳ thi Quốc gia 2015 của Việt Nam

Sách ôn thi Regent bán tràn lan, nhưng nhà trường và các thầy cô giáo không tổ chức luyện thi, không có bài mẫu cũng không có đoán "tủ" vì đề được chọn ngẫu nhiên từ ngân hàng đề thi. Nếu quan điểm giáo dục của ta là "học môn nào, thi môn đó", thì ở NY lại là "dạy môn nào tổ chức thi môn đó". Cơ cấu 16 môn thi tốt nghiệp được chia thành các nhóm như sau: Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh vật); Khoa học Xã hội (Lịch sử Mỹ và tổ chức nhà nước, Lịch sử thế giới). 

Cấp 3 ở Mỹ bắt đầu từ lớp 9. Để được công nhận tốt nghiệp, mỗi học sinh phải hoàn thành 22 tín chỉ (credit) được phân bổ như sau:

- 4 tín chỉ tiếng Anh;

- 4 tín chỉ khoa học xã hội;

- 3 tín chỉ môn toán;

- 1/2 tín chỉ về giáo dục sức khỏe;

- 1 về Nghệ thuật; 1 về Ngoại ngữ;

- 2 về giáo dục thể chất;

- 3 1/2 môn tự chọn.

Đồng thời với việc hoàn thành tín chỉ, mỗi học sinh phải có 5 bài thi tốt nghiệp bắt buộc với điểm số từ 65 trở lên. Đó là các môn: Toán, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh, Lịch sử và địa lý thế giới, và cuối cùng là Lịch sử Mỹ và tổ chức nhà nước. 

Do cách dạy và học theo tín chỉ, cơ cấu tổ chức lớp học cũng không chặt chẽ như ở ta. Mỗi học sinh đều có quyền tự chọn các môn học của mình theo từng học kỳ dựa trên sự hướng dẫn của các nhà tư vấn (counselors - nước mình không có chức danh này trong nhà trường). Như vậy, học sinh lớp chín có thể ngồi cùng học sinh lớp 12 trong một môn học nào đó, và các em có thể đăng ký dự thi Regent ngay từ lớp 10, lớp 11 sau khi đã hoàn thành môn học. Với 5 bài thì tốt nghiệp bắt buộc, các cháu có thể rải ra làm nhiều kỳ và ôn thi hết sức nhẹ nhàng.

Giáo viên chỉ quản lý học sinh trong bộ môn của mình. Khi họp với phụ huynh, giáo viên sẽ trao đổi cặn kẽ về thái độ học tập trên lớp, tình hình hoàn thành bài tập về nhà và kết quả các bài kiểm tra đánh giá trình độ. Tuyệt đối không có việc công khai điểm số trước lớp, trừ những bài xuất sắc.

Về việc thi cử, tôi có một mẩu chuyện muốn chia sẻ.

Năm con trai tôi học lớp 12, cu cậu đăng ký thì một môn Regent rồi quên luôn. Sáng hôm đó chàng nói với mẹ sẽ đi giúp một cô bạn ôn luyện môn toán chuẩn bị cho kỳ thi. Tôi đang sửa soạn đi làm thì thấy cậu hàng xóm sang rủ con trai tôi đi thi. Nó nói hai đứa cùng đăng ký học và thi môn này. Hốt hoảng, tôi gọi điện đến cho nhà trường, báo là con trai có thể không dự thi được vì lý do sức khỏe (lý do này là tôi bịa ra). Ở đầu dây đằng kia, giọng cô giáo hết sức bình thản: "Xin bà chớ lo lắng. Cháu có thể thi lại vào kỳ thi tháng 8 để lấy bằng tốt nghiệp. Việc này không ảnh hưởng đến việc xét tuyển đại học của cháu". Cũng may, khi đến nhà cô bạn, con trai tôichợt nhớ ra kỳ thi và đi đến trường luôn. 

Cũng có lần, con gái tôi ốm vào đúng kỳ thi cuối năm. Mình gọi điện đến trường xin phép thì được thầy cô trả lời rằng cháu sẽ được làm bài thi sau. Khi cháu đi học trở lại, cô giáo cho cháu ngồi ngoài hành lang một mình làm bài thi. Chuyện thi cử quả thật không phải là áp lực ở xứ này.

Lê Thanh Chung

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang