Kỳ thi Quốc gia 2015: Nhiều trường thi thêm nhưng sẽ "nhẹ nhàng"?

author 06:27 19/08/2014

Thực hiện quá trình đổi mới thi kiểm tra, đánh giá nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, ngày 29/7, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án kỳ thi THPT quốc gia, lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển có những trao đổi xung quanh các vấn đề thực hiện kỳ thi THPT quốc gia.

Sự kiện: Kỳ thi THPT Quốc gia 2017

Việc công bố dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT đang thu hút sự chú ý quan tâm của dư luận xã hội. Xin Thứ trưởng cho biết mục đích, yêu cầu chính của kỳ thi theo các dự thảo phương án thi?

Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ hướng đến việc xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu làm căn cứ để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh. 

Để có tác dụng cho việc xét tốt nghiệp, và nhất là cho tuyển sinh, thì đề thi phải bảo đảm phân hoá: có một số học sinh điểm thấp, một số học sinh điểm cao và nhiều nhất là số học sinh đạt mức điểm ở giữa, nếu biểu diễn thành đồ thị phân bố điểm thi thì có một hình quả chuông (phân bố hình chuông).

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển 

Kỳ thi phải bảo đảm nghiêm túc, khách quan, công bằng, độ tin cậy của kết quả thi; bảo đảm tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, chuyển dần từ yêu cầu kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng kiến thức của người học; không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên và học sinh.

Thi cử lâu nay còn nghiêng về đo lường kết quả học được cái gì chứ chưa phải đánh giá học sinh vận dụng kiến thức như thế nào. Mặc dù, kiến thức là cơ sở của năng lực nhưng kiến thức chưa phải là mục tiêu cuối cùng. Vì vậy, cần coi trọng đánh giá năng lực chứ không chỉ coi trọng kiến thức.

Hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh năm nay đã bước đầu được thực hiện theo hướng đó nên có tác dụng thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục.

Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với nhiều biện pháp mới, trong khi chương trình giáo dục phổ thông lại vẫn như cũ. Phải chăng ở đây đang có sự mâu thuẫn?

Thực ra ở đây không có mâu thuẫn. Như trên đã nói, thi cử đã bắt đầu có tác dụng thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng tác dụng đó vẫn còn hạn chế bởi các điều kiện dạy học chưa được cải thiện, đổi mới quản lý quá trình dạy học mới chỉ là bước đầu. Không thể ra đề thi vượt quá tầm chất lượng có thể vươn tới. 

Tôi xin nhắc lại: Đề thi phải phân hoá được thí sinh, vì vậy trong khi đặt ra yêu cầu đề thi năm nay phải có tác dụng cải thiện chất lượng trong những năm sau thì đề thi của năm nào cũng phải phù hợp với chất lượng của năm học đó. 

Đề thi phải đảm bảo học sinh nào giỏi thì sẽ làm bài tốt hơn, ai học yếu thì sẽ làm bài kém hơn. Vì vậy học sinh nên tập trung quan tâm làm sao để học tốt, không cần lo lắng nhiều về chuyện thi cử thế nào.

Quản lý chất lượng thì phải quản lý từ các điều kiện làm giáo dục (yếu tố đầu vào, gồm chất lượng đội ngũ, chất lượng sách giáo khoa, cơ sở vật chất, thời lượng học…), các hoạt động của quá trình giáo dục đến quản lý kết quả đầu ra. 

Thời gian vừa qua, việc đánh giá chất lượng chưa coi trọng đánh giá quá trình dạy và học; chưa đánh giá các yếu tố đầu vào có ảnh hưởng đến quá trình dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục như thế nào mà chủ yếu chỉ là đo lường đầu ra. 

Nói như vậy để thấy rằng, việc đánh giá chất lượng giáo dục nói chung, việc tổ chức các kỳ thi nói riêng phải đổi mới theo yêu cầu đã nêu trong Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thực tế những năm qua vẫn có nhiều nghi ngại về tính nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp THPT; trong khi kỳ thi đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) nghiêm túc hơn thì sao không duy trì?

Thứ nhất, thi tốt nghiệp THPT những năm qua đã ngày càng nghiêm túc và phân hóa đươc học sinh. Năm 2014 tuy tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 99% do thí sinh được tính điểm bình quân các môn, môn này bù môn khác; nhưng nếu xét riêng từng môn thi thì tỷ lệ điểm từ 5 trở lên của hầu hết các môn chỉ là trên dưới 80%, đồ thị phân bố điểm thi có dạng hình chuông.

 Điều đó bước đầu cho thấy độ tin cậy, có thể dựa vào kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT không có yếu tố cạnh tranh giữa các thí sinh, giám thị nếu coi thi không nghiêm túc thì thí sinh cũng không có phản ứng; đối với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì khác, nếu làm không nghiêm sẽ gây nên phản ứng lập tức từ thí sinh. 

Đó là lý do chính làm cho kỳ thi tuyển sinh trong những năm qua đã nghiêm túc hơn kỳ thi tốt nghiệp. Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới sẽ có yếu tố cạnh tranh giúp cho tính nghiêm túc, khách quan được tăng cường.

Thứ hai, nếu duy trì kỳ thi quốc gia để tuyển sinh ĐH, CĐ thì không phù hợp với tinh thần Luật giáo dục ĐH cho phép các trường được tự chủ trong tuyển sinh. Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới vừa phục vụ mục tiêu tốt nghiệp THPT vừa làm cơ sở cho tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Kỳ thi giữ đúng theo tinh thần Luật Giáo dục (đối với việc công nhận tốt nghiệp phổ thông) và Luật Giáo dục ĐH (đối với việc tuyển sinh). 

Sau khi có kết quả thi học sinh mới đăng ký dự tuyển ĐH, CĐ nên giảm được rủi ro của việc chọn trường dự tuyển. Trong khi sử dụng kết quả của kỳ thi này, một số trường ĐH, CĐ có thể vẫn cần thi, kiểm tra bổ sung nhưng nhẹ nhàng hơn, đỡ tốn kém cho gia đình thí sinh và cả xã hội.

Ngoài tính cạnh tranh như Thứ trưởng đã nêu, phương án kỳ thi THPT quốc gia sẽ đưa ra giải pháp gì để bảo đảm nghiêm túc, chất lượng?

Cán bộ coi thi, chấm thi gồm cả giảng viên trường ĐH và việc chấm thi sẽ thực hiện theo phương thức chấm theo cụm; giáo viên phổ thông không được coi thi, chấm thi học sinh trường mình. Trước đây, Bộ GD&ĐT từng có thời gian đưa giảng viên ĐH làm thanh tra ủy quyền tại kỳ thi tốt nghiệp THPT rồi lại thôi. Bởi vì, thanh tra thì chỉ mang tính “đứng ngoài” giám sát công việc người khác làm. 

Trong kỳ thi sắp tới, giảng viên ĐH sẽ cùng làm cán bộ coi thi, chấm thi thì tinh thần trách nhiệm cao hơn. 

Mặt khác, trước đây cả hội đồng chỉ có một, hai thanh tra ủy quyền, nếu địa phương nào đó vì bệnh thành thích, không thiện chí hợp tác thì thanh tra sẽ rất khó làm. Khi giảng viên ĐH cùng làm cán bộ coi thi, chấm thi với một lực lượng đông đảo sẽ có tác động lớn hơn đến mọi “ngõ ngách” của hội đồng thi. 

Mặt khác, nếu xảy ra tình trạng thiếu thiện chí của địa phương thì cũng khó có thể “áp đảo” lên một số lương rất đông các giảng viên ĐH trong hội đồng thi.

Bộ GD&ĐT kỳ vọng gì khi đưa ra dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia lấy ý kiến xã hội?

Dự thảo đã được bộ cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng từ nhiều phương án, giải pháp khác nhau nhưng ba phương án để bàn bạc, tính toán ở thời điểm này là tốt nhất. Ngay cả khi đã được lựa chọn rồi cũng phải tính toán thêm vì dự thảo mới chỉ nêu nguyên tắc chung. 

Bộ GD&ĐT mong muốn có những góp ý xây dựng, phân tích hiệu quả, hợp lý nhằm tạo nên sự đồng thuận trong xã hội. Làm sao để từ những nghiên cứu, chọn lọc của ít người nhưng tiến tới nhiều người cùng hiểu và đồng thuận. 

Mặt khác, việc lấy ý kiến xã hội cũng để xem xã hội đang lo lắng điều gì, từ đó ngành GD - ĐT nhìn lại kỹ hơn về dự thảo phương án, bảo đảm chất lượng.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Nhân dân


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang