Kỳ thi THPT Quốc gia 2015: Không sợ học lệch

author 06:57 17/09/2014

(VietQ.vn) - Bộ Giáo dục cho rằng, việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2015 sẽ không gây ra học lệch trên phạm vi lớn.

Sự kiện: Kỳ thi THPT Quốc gia 2017

Tin tức từ Bộ GD-ĐT cho biết, trong quá trình xây dựng Phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, cùng với khảo sát đánh giá đúng hiện trạng thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, CĐ ở nước ta thời gian qua, Bộ GD - ĐT đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này từ mô hình tổ chức thi, quy trình thực hiện, cách thức sử dụng kết quả (Một số nước điển hình như: Hoa Kỳ, LB Nga, Phần Lan, Pháp, Áo, Ai len, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Úc...).

Dự thảo Phương án tổ chức Kỳ thi quốc gia 2015 đã được tham khảo ý kiến của các lãnh đạo sở GDĐT, các trường ĐH, các chuyên gia, các phóng viên báo chí trước khi hoàn thiện dự thảo và công bố để xin ý kiến rộng rãi.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2015: Có nhiều thay đổi

Kỳ thi THPT Quốc gia 2015: Có nhiều thay đổi

Sau khi công bố dự thảo Phương án, Bộ GDĐT tiếp tục tham khảo ý kiến trên diện rộng với các nhóm đối tượng chính gồm: Giám đốc các sở GDĐT, Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ; Cán bộ chuyên trách Phòng Khảo thí và lãnh đạo các sở GDĐT (142 người); Các trường ĐH, CĐ (120 trường); Giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh các trường THPT trong cả nước (với 2.788 trường THPT và Trung tâm GDTX; 137.379 cán bộ quản lý và giáo viên; 929.584 học sinh thuộc 63 Sở GDĐT và Cục Nhà trường) và một số chuyên gia, phóng viên báo chí. Kết quả thăm dò đã được tổng hợp và phân tích khách quan, là một căn cứ quan trọng để Bộ GDĐT quyết định phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015.

Về vấn đề lo lắng học lệch, Cục trưởng Cục Khảo thí Mai Văn Trinh cho biết, Nghị quyết 29-NQ/TW chỉ rõ “Đảm bảo cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”; đồng thời, đáp ứng yêu cầu “tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên”; do đó, ngoài việc phải thi 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) thí sinh sẽ được tự chọn các môn thi trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí là phù hợp với chủ trương này. Chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành đã thực hiện phân ban kết hợp với tự chọn, nên việc cho học sinh tự chọn môn thi là phù hợp với chương trình và tình hình thực tế.

Kết hợp sử dụng kết quả thi 4 môn thi tối thiểu với điểm học tập trung bình lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp, đảm bảo học sinh “học gì, được đánh giá nấy”, khuyến khích học sinh phải học đều để đạt yêu cầu đối với tất cả các môn, nhất là ở lớp 12 để tốt nghiệp THPT và có hồ sơ dự tuyển đại học tốt; Trên cơ sở đạt yêu cầu đối với tất cả các môn, học sinh chú trọng hơn vào các môn theo năng lực, sở trường của mình, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học có thêm căn cứ để tuyển thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo và yêu cầu chất lượng của trường;

Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh trong quá trình được phân cấp cho giáo viên bộ môn và nhà trường. Điều này tạo điều kiện cho giáo viên phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong quá trình dạy học; học sinh  không coi nhẹ môn học nào; từng bước khắc phục quan niệm môn chính, môn phụ trong nhà trường.

Việc đưa vào các môn tự chọn là giảm áp lực cho các thí sinh, đồng thời phù hợp với thực tế học tập ở bậc THPT, là giải pháp phù hợp chủ trương định hướng nghề nghiệp bước chuẩn bị cho việc sẵn sàng tham gia thị trường lao động hoặc học tập của các em ở các bậc học sau.

Hơn nữa, xét trên tất cả học sinh lớp 12 trong cả nước, với việc cho học sinh tự chọn thì tất cả các môn thi sẽ được chọn, hướng tới sự cân đối, hài hòa hơn giữa các môn học trong nhà trường.

Thùy Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang