Trồng cây bạc hà làm tường rào xung quanh nhà khiến cho muỗi phải ‘kinh sợ’

author 06:00 11/08/2017

(VietQ.vn) - Kỹ thuật trồng cây bạc hà tại nhà không chỉ dùng làm gia vị chế biến món ăn mà còn có tác dụng cực hiệu quả trong việc đuỗi muỗi.

Sự kiện: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa

Bạc hà còn có tên là bạc hà nam (Mentha piperita), là cây rau gia vị lấy lá để ăn cùng với các loại rau ăn sống, rau ghém như xà lách, rau muống chẻ, thân và hoa chuối.

Phải nói rằng một số món ăn như bún bò Huế, chả giò, nem...nếu thiếu đi rau bạc hà thì sẽ không còn hương vị. Không những thế, cây bạc hà còn dùng chữa một số bệnh như cảm cúm, xổ mũi…do lá cây chứa nhiều tinh dầu. Một số nơi trồng bạc hà trên diện tích lớn làm dược liệu, chủ yếu là chiết xuất tinh dầu để sản xuất dầu gió dùng xoa bóp, chống nghẹt mũi, cảm gió…

Vậy còn kỹ thuật trồng cây bạc hà tại nhà liệu có khó. Thực chất đây là loại cây cực kỳ dễ trồng ai cũng có thể áp dụng ở nhiều điều kiện và địa điểm khác nhau từ thùng xốp, chậu nhựa, bát, cốc thủy tinh hay một bãi đất nhỏ....

Cây bạc hà có nhiều công dụng, kỹ thuật trồng cây lại đơn giản. Ảnh minh họa

Cây bạc hà có nhiều công dụng, kỹ thuật trồng cây lại đơn giản. Ảnh minh họa

Đất trồng cây bạc hà

Cây bạc hà là một loại cây có thể trồng trên nhiều loại đất như đất thịt, đất cát, đất xám…Tuy nhiên không bị phèn hoặc mặn, đất phải cao ráo, thoát nước. Tốt nhất là đất có nhiều mùn vì cây ưa ẩm.

Thời vụ trồng cây bạc hà

Ở miền Nam, bạc hà có thể trồng được quanh năm. Toàn bộ thời gian sinh trưởng mất khoảng 110 ngày. Ở miền Bắc có 2 vụ là trồng tháng 2, 3 thu hoạch tháng 6, 7; trồng tháng 8, 9 thu hoạch tháng 2, 3. Trường hợp nếu áp dụng kỹ thuật trồng cây này tại nhà thì có thể tiến hành bất cứ thời gian nào trong năm, chỉ cần áp dụng đúng cách chăm sóc sẽ cho hiệu quả như mong muốn.

Kỹ thuật trồng cây bạc hà

Cây bạc hà chủ yếu trồng bằng thân, cành. Khi tiến hành trồng nên nhớ đào bới đất cho thật tơi xốp, nhỏ mịn và sạch cỏ. Nếu không có sẵn đất hãy mua các loại đất sạch, đất phù hợp với loại cây cần trồng ở các cửa hàng bán cây cảnh.

Sau khi chuẩn bị đất đầy đủ hãy trộn đều đất với phân bón. Nếu trồng vào chậu hãy lựa chọn chậu có lỗ thoát nước tốt. Đầu tiên cho một chút đất vào dưới chậu, rồi cho cây bạc hà vào sau đó vun đất cho chặt. Vì đây là một loại cây dễ trồng nên không cần quá lo lắng nếu rễ cây bị đứt. Chỉ cần đảm bảo cây được vun đất chặt tay để cây có thể đứng vững là được.

Kỹ thuật trồng cây bạc hà có thể trồng bằng thân hoặc cành có tác dụng đuỗi muỗi cực hiệu quả. Ảnh minh họa

Kỹ thuật trồng cây bạc hà có thể trồng bằng thân hoặc cành có tác dụng đuỗi muỗi cực hiệu quả. Ảnh minh họa

Cách chăm sóc và bón phân cho cây bạc hà

Sau khi trồng, hãy đảm bảo tưới cây hàng ngày nhưng không được quá nhiều khiến cây ngập úng. Đặt ở nơi có nhiều ánh sáng để cây có thể phát triển tốt nhất. Việc cắt tỉa hay làm cỏ sạch cũng khá quan trọng sẽ giúp cây có khả năng phát triển nhanh hơn.

Phòng trừ sâu bệnh cho cây bạc hà

Trồng cây bạc hà chỉ cần chú ý tới các loại sâu bệnh như bọ trĩ, rầy và rệp. Đây là những loài sâu có kích thước rất nhỏ, thường bám trên đọt và lá non, chích hút nhựa làm lá xoăn, đọt chùn lại, cây sinh trưởng kém. Trong mùa khô còn có loài rệp phấn phá hại rễ làm cây vàng úa, khô héo và có thể bị chết từng chòm. Ngoài ra cây cũng rất dễ nhiễm bệnh nấm. Nhiều trường hợp rệp phấn và nấm cùng phá hại làm cây chết nhanh hơn. Để tiến hành phòng trừ các loại sâu trên bằng phun các thuốc Vibamec, Vertimec, Vimeem, GC-Mite, Dibonin, Confidor… Trừ rệp hại gốc dùng thuốc Padan, Pyrinex, Vibasu…hòa nước tưới. 

Thu hoạch cây bạc hà

Thường sau khi trồng khoảng 1 tháng là có thể thu hoạch. Sau đó trung bình 15 ngày thu hoạch một lần. Khi thu hoạch cắt đoạn thân phía trên để lại gốc dài khoảng 10 – 15 cm, tưới phân thúc cho cây tái sinh mạnh. Thu hoạch 7 – 8 lần thì cây già, khả năng tái sinh kém, năng suất giảm, lúc này nhổ bỏ hết, làm đất phơi ải để trồng lại.

Tác dụng của cây bạc hà 

Bạc hà là một vị thuốc thơm, dùng làm cho thuốc thơm dễ uống, làm ra mồ hôi, hạ sốt dùng chữa cảm sốt, cảm mạo, mũi ngạt, đầu nhức, còn giúp cho sự tiêu hoá, chữa kém ăn, ăn uống không tiêu, đau bụng đi ngoài.
Tinh dầu bạc hà và mentola dùng làm thuốc sát trùng, xoa bóp nơi sưng đau, như khớp xương, thái dương khi đầu nhức. Theo Lesieur và J. Meyer bạc hà là một vị thuốc chữa loét dạ dày, làm giảm bài tiết dịch vị và giảm đau.
Tính chất của bạc hà theo các tài liệu cổ ghi như sau: Vị cay, mát không độc, vào 2 kinh phế và can, có tác dụng tán phong nhiệt, ra mồ hôi, giảm uất, làm thuốc thanh lương dùng chữa cảm nắng (trúng thử), đau bụng, bụng đầy, chứng ăn không tiêu.

Các nhà khoa học cho biết, tinh dầu bạc hà có chứa chất ngăn chặn muỗi hiệu quả gấp 10 lần Deet - thành phần được tìm thấy trong các loại hóa chất đuổi côn trùng. Hơn nữa, trong cây bạc hà còn có chứa chất Nepetalactone, một loại tinh dầu mà muỗi không thể chịu nổi.

Không chỉ xua đuổi muỗi, bạc hà còn giúp xua đuổi các loài côn trùng khác như kiến, gián, ong. Nếu sử dụng tinh dầu bạc hà để tiêu diệt muỗi thì cũng hiệu quả hơn nhiều các loại hóa chất khác mà lại thân thiện với môi trường sống.

An Dương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang