Kỹ thuật trồng cây hoa Phù Dung vừa đẹp vừa làm thuốc rất tốt

author 06:09 09/02/2017

(VietQ.vn) - Kỹ thuật trồng cây hoa Phù Dung vô cùng đơn giản vừa làm cây cảnh đẹp quanh nhà và làm thuốc chữa bệnh rất tốt như mụn nhọt, lở loét, bỏng, ho do phế nhiệt, thổ huyết, băng lậu, bạch đới...

Sự kiện: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa

Cây hoa Phù Dung rất độc đáo với những bông hoa Phù Dung nở liên tục từ mùa sương giáng đến hết mùa Đông. Hoa to và đẹp, mọc đơn độc hoặc tụ nhiều hoa, khi mới nở vào buổi sáng sớm hoa có màu trắng ngần tinh khiết rồi chuyển dần sang màu hồng phấn buổi ban trưa và đỏ thẫm lúc chiều tà, cuối ngày hoa sẽ héo tàn.

Cây hoa Phù Dung có nhiều tên gọi khác nhau trong đó phổ biến nhất là Phù Dung hoặc Sương Giáng/Cự Sương. Ảnh minh họa

Cây hoa Phù Dung có nhiều tên gọi khác nhau trong đó phổ biến nhất là Phù Dung hoặc Sương Giáng/Cự Sương. Ảnh minh họa 

Phù Dung là loại cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi để  làm cảnh, tên khoa học là Hibiscus mutabilis L., trong dân gian còn được gọi là Mộc Liên, Địa Phù Dung, Sương Giáng,...Cây Phù Dùng nhỏ, cao chừng 2-5m, cành có long hình sao ngắn, vỏ thân có nhiều xơ sợi, lá mọc cách, xẻ 3-5 thùy, hình bàn tay, rộng 10-20cm, mặt trên có lông, mép khía răng cưa. 

Với những đặc điểm ấn tượng trên, cây hoa Phù Dung chính là một trong những cây bóng mát cho hoa đẹp và độc đáo nhất mà bạn nên sở hữu bởi kỹ thuật trồng cây hoa Phù Dung cực kỳ đơn giản.

Kỹ thuật trồng cây hoa Phù Dung

Phù Dung là một loài cây ưa sáng, cần phân, chịu ẩm, chịu bóng, không chịu rét, trồng nơi đất pha cát, thoát nước. Nói chung trồng vào mùa mưa có thể thỏa mãn nhu cấu sinh trưởng. Nên lưu ý trong khâu kỹ thuật trồng cây hoa Phù Dung đó là trong mùa sinh trưởng nhất định phải bón 1-2 lần phân, các loại phân đều có thể dùng, tốt nhất là phân lân.

Kỹ thuật trồng cây hoa Phù Dung cực đơn giản. Ảnh minh họa

Kỹ thuật trồng cây hoa Phù Dung cực đơn giản. Ảnh minh họa 

Đối với cây Phù Dung trồng trong chậu sau khi ra hoa phải tỉa cành. Đặc biệt, đất trong chậu phải luôn giữ hơi ẩm cây mới không bị héo và chết nhanh. Cây Phù Dung trồng ngoài vườn, trước mùa Đông nên cắt hết cành. Mùa Xuân năm sau đắp thêm đất, cắt cành già sẽ mọc cành mới. 

Nhân giống

Có thể áp dụng nhiều phương pháp nhân giống cây hoa Phù Dung như giâm cành, tách cây, chiết cành, phương pháp phổ biến là giâm cành.

Phương pháp giâm cành thường được tiến hành sau mùa Thu khi cây Phù Dung đã rụng lá, trước hết chọn cành mọc trong năm, cắt thành từng đoạn, dài 15-20cm, bó thành bó, bỏ vào đống cát, qua đông. Mùa Xuân năm sau lấy ra giâm vào luống đất, cành giâm để nhô ra ngoài khoảng 10cm, mặt trên luống phủ cỏ. Tỷ lệ sống để giâm cành có thể đạt tới 95%.

Phương pháp tách cây sẽ tiến hành vào mùa Xuân. Trước hết phải đào cả cây, chọn một rễ có cây bất kỳ sau đó trồng vào đất có phân. Sau một tuần tưới nước, cây sinh trưởng rất nhanh và ra hoa trong năm.

Kỹ thuật trồng cây và chăm sóc hoa Phù Dung cần sự tỉ mỉ mới cho ra hoa như ý muốn. Ảnh minh họa

Kỹ thuật trồng cây và chăm sóc hoa Phù Dung cần sự tỉ mỉ mới cho ra hoa như ý muốn. Ảnh minh họa

Phương pháp chiết cành thực hiện vào tháng 7-8 lấy cành Phù Dung uốn cong vào đất, sau 1 tháng đắp đất, cành sẽ mọc rễ và 1 tháng sau đó có thể cắt rời cây mẹ. Mùa Xuân năm sau đem trồng.

Ngoài ra hạt hoa Phù Dung cũng có lông có thể bay theo gió, rơi xuống đất và nảy mầm, cũng có thể thu nhặt hạt để gieo, có cây chỉ sau một năm ra hoa.

Công dụng chữa bệnh của cây hoa Phù Dung

Ngoài công dụng làm cảnh, vỏ thân Phù Dung trắng mềm có thể dùng để bện thừng, dệt vải hoặc làm giấy; lá và hoa tươi hoặc khô được dùng để làm thuốc.

Theo nghiên cứu hiện đại, hoa Phù Dung có chứaAnthocyanin, Isoquercitrin, Hyperin, Hyperoside, Rutin, Quercitin-4’-glucoside, Spiraeoside, Quercimeritrin...

Cây hoa Phù Dung còn có công dụng chữa bệnh rất tốt. Ảnh minh họa

Cây hoa Phù Dung còn có công dụng chữa bệnh rất tốt. Ảnh minh họa 

Còn theo y học cổ truyền, hoa Phù Dung vị cay, tính bình, có công dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ huyết (làm mát huyết và cầm máu), tiêu thũng chỉ thống (làm hết phù thũng và giảm đau), thông kinh hoạt huyết, bài nùng (làm hết mủ); được các sách thuốc cổ như Bản thảo cương mục, Bản thảo đồ kinh, Bản thảo cầu chân, Trấn nam bản thảo, Sinh thảo dược tính bị luận... dùng để chữa các chứng bệnh như ung thũng, mụn nhọt, lở loét, bỏng, ho do phế nhiệt, thổ huyết, băng lậu, bạch đới...

Lá Phù Dung thường hái vào mùa hè, thu: cắt lấy phiến lá, phơi khô trong bóng râm (âm can) để thanh nhiệt, giải độc, mát gan. Hoa Phù Dung thường hái vào khi hoa nở, đem phơi trong bóng râm hoặc sấy khô dùng dần có tác dụng chữa mụn nhọt, tiêu sưng…

An Dương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang