Kỹ thuật trồng hoa chuông tình yêu cho ban công thêm lãng mạn

author 07:04 01/11/2016

(VietQ.vn) - Kỹ thuật trồng hoa chuông tình yêu có nhiều cách như giâm cành, gieo hạt giống hoặc cũng có thể tách rễ củ…

Sự kiện: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa

Hoa chuông có nguồn gốc từ Brazil – là một trong những loại hoa nội thất có hình dáng lạ, màu sắc đa dạng rất được ưa chuộng trên thế giới đã được nhập nội vào nước ta. Cây có dạng thân củ, thấp cây (12-15 cm), lá hình thuôn hoặc oval, hoa hình chuông khá to. Cây rất khoe sắc do có ít lá và nhiều hoa to nở cùng lúc.

Hoa chuông tình yêu  có hình dáng lạ, đẹp mắt bởi nhiều màu sắc khác nhau.

Hoa chuông tình yêu  có hình dáng lạ, đẹp mắt bởi nhiều màu sắc khác nhau.

Kỹ thuật trồng hoa chuông tình yêu

Như tất cả mọi loại hoa khác việc chọn giống rất quan trọng ảnh hưởng lớn đến chất lượng khi hoa trưởng thành và thu hoạch. Hạt giống hoa Chuông (Tử La lan) các loại có thể tìm mua tại cửa hàng hạt giống.

Hoa chuông tình yêu được nhân giống dễ dàng bằng cách gieo hạt, giâm cành, hoặc tách rễ củ. Lưu ý khi nhân giống bằng rễ (củ), rễ cây có thể tồn tại từ năm này qua năm nọ, tuy nhiên chỉ có những rễ non khoảng 4 tháng-3 năm tuổi mới có khả năng nảy mầm phát triễn thành cây mới. Những rễ củ để quá lâu sẽ mất khả năng nảy mầm.

Đất trồng

Một hỗn hợp gồm đất thịt, rêu than bùn, đá trân châu, phân hữu cơ với tỉ lệ 1:1:1:1, đất trồng phải đảm bảo tơi xốp, thoáng khí, đủ ẩm và thoát nước tốt. Độ pH từ 5,5-6,5. Cần tăng cường bón phân dưới dạng dung dịch dinh dưỡng mỗi tuần/lần khi thấy những nụ hoa đầu tiên xuất hiện. Bón phân 2 tuần/lần trong những giai đoạn phát triển khác.

Kỹ thuật trồng xương rồng cho hoa nở quanh năm(VietQ.vn) - Kỹ thuật trồng xương rồng cho hoa nở nhiều là việc ai cũng có thể làm bởi hoa xương rồng dễ thích nghi, chịu khô hạn tốt.

Tưới nước

Cây hoa phát triển tốt trong điều kiện thoáng mát (khoảng 50% ánh sáng). Thường xuyên tưới nước vào buổi sáng sớm, không tưới vào buổi chiều vì cây sẽ dễ bị nhiễm bệnh. Có thể tưới bằng nhiều cách như tưới phun sương, tưới nhỏ giọt… nhưng phải đảm bảo vừa đủ ẩm độ làm mát cho cây. Khi hoa đã nở chỉ nên tưới gốc, không tưới vào lá và hoa, không tưới quá đẫm vì cây dễ bị thối.

Hoa chuông tình yêu không quá khó để chăm sóc, cây cần lượng ánh sáng đầy đủ, ánh sáng mặt trời trực tiếp nhưng dịu nhẹ. Khi trồng trong nhà, chọn một vị trí gần cửa số hướng đông (hướng tây) để cây có thể nhận ánh sáng mặt trời vào buổi sáng (buổi chiều) thì rất lý tưởng. Có thể thay thế ánh sáng mặt trời bằng ánh sáng đèn huỳnh quang, nó thích được chiếu sáng khoảng 14-16 giờ mỗi ngày với loại ánh sáng này.

Nhiệt độ

Hoa chuông tình yêu là loài cây thích mát mẻ, nhiệt độ lý tưởng khoảng 22oC-25°C (ban ngày), 18°C-20°C (ban đêm) trong thời kỳ ra hoa. Nếu nhiệt độ giảm thấp hơn 15°C có thể gây tổn hại đến cây. Tuy nhiên trong trạng thái ngủ của cây thì cây phát triễn mạnh mẽ ở nhiệt độ khoảng  10°C-11°C.

Khi nhiệt độ tăng cao hơn 25°C cần giữ ẩm cho cây bằng cách phun sương, không phun trực tiếp vào cây sẽ gây ảnh hưởng không tốt, phun sương phần không  gian phía trên tán lá. Vì nhu cầu độ ẩm cao và liên tục, nên rãi một lớp đá trân chân trên mặt chậu để giữ ẩm, ngăn cản sự bay hơi nước.

Chăm sóc

Sau khi hoa rụng đi, lá cũng bắt đầu vàng úa và rụng theo, lúc này cây rơi vào trạng thái ngủ, cây chết đi và còn lại bộ củ. Lúc bấy giờ nên giảm lượng nước tưới, đặt cây ở nơi tối và mát, nhiệt độ khoảng 10-11°C, trong đất khô từ 2 đến 4 tháng. Vào khoảng cuối đông đầu xuân, củ bắt đầu có dấu hiệu nảy mầm. Trồng củ trong chậu mới với hổn hợp đất trồng như đã nêu ở trên, di chuyển chậu đến nơi có ánh sáng dịu nhẹ, tiếp tục tưới nước và duy trì độ ẩm liên tục, cây sẽ hồi sinh và phát triễn.

Ngắt lá, tỉa nụ

Kỹ thuật trồng và cắt tỉa hoa chuông tình yêu cũng khá phức tạp.

Kỹ thuật trồng và cắt tỉa hoa chuông tình yêu cũng khá phức tạp.  

Muốn hoa nở tập trung cần tỉa bỏ 2 nụ đầu tiên (khi nụ đã chuyển màu). Tỉa bỏ những lá, hoa đã già héo để tránh làm cây bị bệnh. Các hoa tàn thì tách bỏ hoa ra khỏi các đài hoa. Sau khi tất cả các hoa đã tàn, nên cắt sát gốc, các chồi mới sẽ mọc từ củ dưới mặt đất. Tiếp tục bón phân và chăm sóc theo quy trình, cây sẽ ra hoa mới.

Sâu bệnh và cách phòng trừ

Bọ trĩ là kẻ thù nguy hiểm của hoa chuông tình yêu. Bên cạnh đó, nếu chăm sóc không cẩn thận, tưới nước vào tán cây sẽ làm ngọn bị thối rửa. Đất quá ẩm ướt sẽ làm thối rễ hoặc làm cây không thể ra hoa. Ngoài ra, không đủ ánh sáng sẽ làm cây phát triển cao lên nhưng yếu ớt, khó ra hoa. Khi có hiện tượng héo lá, lốm đốm nâu thì cây đã bị nhiễm vi rút gây bệnh héo lá trên cà chua, không thể chữa trị, nên nhanh chóng nhổ bỏ để tránh ảnh hưởng đến những cây khác. Thường xuyên tỉa bỏ những lá héo, hoa tàn là cách phòng tránh bệnh cho cây. 

Hoa chuông thường bị một số loại côn trùng gây hại như nhện đỏ, các loại sâu ăn lá… nên cần phun ngừa các loại thuốc như Supracide 40 EC , Comite 73 EC, Kelthane 18,5 EC, Vertimec 1,8 EC, Bitadin… Các loại bệnh thường gặp là thối gốc và chết héo. Các bệnh này do độ ẩm quá cao, nơi trồng không thông thoáng, nên tưới vừa phải và tưới vào buổi sáng, tránh tưới buổi chiều hoặc buổi trưa dễ làm hư lá. Bệnh có thể khống chế được bằng các loại thuốc: Mexyl – MZ 72 WP, Topsin M 50 WP, Aliette 80 WP…

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang