Kỹ thuật trồng và cách tạo tháp cây phát lộc đón vận may đầy nhà ngày Tết

author 06:55 21/12/2016

(VietQ.vn) - Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây phát lộc luôn tươi tắn để bàn, phòng họp hay bất cứ đâu trong những ngày Tết cực đơn giản.

Sự kiện: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa

Cây phát lộc thuộc họ vạn niên thanh, có thân thảo, đốt rỗng, lá màu xanh thẫm, cây có thể dài khoảng một mét khi trưởng thành, cây rất dễ sống và thích nghi rất tốt khi trồng trên đất, hay khi ngắt thân cắm vào lọ nước chúng vẫn sinh trưởng tốt và đâm chồi nảy lộc.

 Cây phát lộc luôn đem đến sự may mắn vào nhà. Ảnh minh họa

 Cây phát lộc luôn đem đến sự may mắn vào nhà. Ảnh minh họa

Cây phát lộc là biểu tượng quan trọng trong phong thủy, mang đến may mắn, vận mệnh, đặc biệt là nếu bạn được từ người khác trao tặng. Với đặc thù thân cây mềm dẻo, có thể sống được cả chậu trong nước và trong đất, thích nghi với điều kiện ánh sáng đa dạng. Thậm chí, dù sống trong điều kiện đất, ánh sáng nghèo nàn thì cây phát lộc vẫn có thể sống một thời gian dài. Dạng thông dụng nhất là cây phát lộc trong nước với chậu thủy tinh.

Nhưng làm thế nào để tự tay trồng cây phát lộc tặng bạn bè hay trưng trong những ngày Tết đến Xuân về thì không phải ai cũng biết. Dưới đây là một vài bước kỹ thuật trồng và chăm sóc cây phát lộc để bạn tham khảo.

Ánh sáng và nhiệt độ thích hợp trồng cây phát lộc

Cây phát lộc là loại ưa sáng nhưng phải tránh ánh sáng trực tiếp bởi sẽ làm cây cháy lá. Dù là cây dễ sống, dễ trồng ở nhiều điều kiện khác nhau nhưng do dị ứng với nước chứa clo và các chất hóa học khác trong nước máy, vì thế tốt nhất nên tưới cho cây phát lộc loại nước sạch như nước đóng chai, nước cất, hoặc nước máy nhưng phải để qua 24 giờ để cho khí Clo bay hơi hết. Ngoài ra, cần phải lưu ý khi trồng cây phát lộc phải biết rõ cây phát lộc thích hợp với nhiệt độ ấm áp, khoảng từ 36-50 độ C. Không để cây trước máy lạnh hoặc gần lò sưởi.

Kỹ thuật cắt tỉa và tạo dáng cho cây phát lộc

Để tự trồng cây phát lộc tại nhà, việc này đòi hỏi phải kiên nhẫn, tỉ mỉ và công phu. Dù mất thời gian nhưng chắc chắn bạn sẽ tạo cho mình những chậu cây phát lộc đẹp, xanh tươi trong những ngày Tết. Vì vậy điều đầu tiên bạn cần làm đó là công đoạn cắt tỉa. Đây là một phương pháp hữu hiệu và cũng rất quan trọng trong việc giữ cây luôn khỏe mạnh và đẹp mắt. Lưu ý rằng việc cắt cành chính của cây phát lộc không được xem là đúng đắn, thay vào đó, bạn chỉ nên tỉa bỏ những cành khô héo. Bạn cũng có thể tỉa khoảng 3-5 cm đối với cành chính.

Kỹ thuật trồng cây phát lộc vô cùng đơn giản, chỉ cần tỉ mỉ, kiên nhẫn là bạn sẽ có chậu phát lộc đẹp. Ảnh minh họa

Kỹ thuật trồng cây phát lộc vô cùng đơn giản, chỉ cần tỉ mỉ, kiên nhẫn là bạn sẽ có chậu phát lộc đẹp. Ảnh minh họa 

Cần phải biết rằng tốc độ mọc nhánh mới của cây phát lộc khá nhanh nên cây phát lộc nhanh chóng trở nên “bù xù”. Để ngăn chặn điều này bạn nên bôi dung dịch parafin lên những chỗ tỉa. Nếu muốn thay đổi hình dạng của cây đột ngột cần cắt bằng phẳng tất cả các nhánh của cây mọc ra từ cành chính. Những vết cẳt bề mặt là điều tất yếu, và chồi non có thể mọc lại hoặc cũng có thể không mọc. Khi đó, đừng ném các cành đã cẳt bỏ, hãy giữ lại chúng để nhân giống thêm một cây phát lộc khác.

Phân bón và phòng bệnh

Cây trồng trong nước chỉ cần bổ sung phân bón dạng dung dịch mỗi tháng một lần. Một giọt phân bón dạng dung dịch là rất nhiều đối với loại cây này. Ngoài ra, còn có một loại phân bón chuyên biệt dành cho chúng. Tương tự, các lá bị thối cũng cần được cắt bỏ nếu không sẽ tạo ra vi khuẩn không tốt cho cây. Tốt nhất là nên thay nước mỗi tuần một lần với nước cất hoặc nước sạch. Nếu thấy tảo bắt đầu xuất hiện thì nên làm sạch chậu cây. Khi lá có màu vàng tức là cây đang dư ánh nắng và phân bón, nên cắt giảm phân bón và đưa cây vào khu vực có bóng râm. Hãy thường xuyên bắt sâu bọ cho cây phát lộc.

Học cách làm tháp cây phát lộc kiếm bạc triệu dịp Tết

Nguyên liệu gồm cây phát lộc, chậu tháp có thể bằng thủy tinh, đất nung, gốm, sứ … Tuy nhiên, cần chọn chậu tháp có kích thước phù hợp với kích thước và số tầng cây tài lộc muốn thực hiện. Một ống nhựa có độ cao phù hợp với số tầng tháp cây tài lộc. Dây nhựa mạ nhũ màu vàng

Chọn những thân cây phát lộc có giống đều nhau, sau đó cắt thân cây phát lộc thành từng đoạn theo độ dài của từng tầng. Tiếp theo thực hiện làm tầng cao nhất của tháp tài lộc bằng cách ghép những đoạn cây phát lộc xung quanh ống nhựa sao cho những đoạn cây nhô cao hơn ống lõi chừng 3 – 4 cm.. Để tháp phát lộc được đẹp, cần phải sắp xếp các thân cây to, nhỏ, non, già đều nhau, các mắt cây quay ra ngoài cùng một hướng.

Cách làm tháp cây phát lộc cũng không quá khó. Ảnh minh họa

Cách làm tháp cây phát lộc cũng không quá khó. Ảnh minh họa 

Sau khi tầng cao nhất được ghép xong, dùng dây nhựa mạ nhũ màu vàng quấn quanh, ghim chặt lại để giữ cố định và chắc chắn cho tầng tháp. Tương tự thực hiện ghép tiếp các tầng tháp tiếp theo theo thứ tự từ cao xuống thấp, và mỗi tầng cách nhau khoảng từ 5 – 7 cm. Lưu ý với tầng chân tháp cần làm to vừa lòng chậu, hoặc có thể cố định thêm bằng các vật nhỏ khác để chân tháp được chắc chắn, không bị  nghiêng. Khi đã hoàn thành toàn bộ các tầng của tháp, có thể dùng xi măng trắng hoặc keo thành phần bịt  đầu các đầu rỗng của những đoạn thân cây phát lộc. Sau đó đổ nước vào trong lõi ống nhựa, nước sẽ tự điều tiết và cung cấp đủ độ ẩm cho cây đâm chồi nảy lộc.

Cách đặt chậu cây phát lộc luôn xanh tốt để đón lộc vào nhà

Cây có thể đặt tại nhiều nơi khác nhau, nhưng chú ý không cho tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời, vì bản chất tự nhiên giống cây này chỉ phát triển tốt dưới tán rừng mưa nhiệt đới ẩm ướt, nghĩa là chúng ưa bóng râm hơn. Nên điều tiết cung cấp độ ẩm và thay nước thường xuyên để cây phát triển được tốt nhất.

 An Dương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang