Kỹ thuật trồng cà phê cho năng suất chất lượng cao

author 11:24 03/10/2016

(VietQ.vn) - Việt Nam là nước có năng suất cà phê cao nhất thế giới. Để đạt được thành tựu trên phải dựa vào nhiều yếu tố, trong đó kỹ thuật trồng cây cà phê.

Sự kiện: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa

Chỉ trong vòng 15 đến 20 năm trở lại đây, ngành cà phê Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Sản lượng cà phê của cả nước tăng lên hàng trăm lần, mỗi năm xuất khẩu từ 1,3 đến 1,6 triệu tấn cà phê nhân. Với sản lượng trên đã đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê đứng hàng thứ hai trên thế giới, sau Brazil và là nước đứng đầu về xuất khẩu cà phê vối.

Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê đứng hàng thứ hai trên thế giới. Ảnh minh họa 

Để đạt được những thành tựu trên, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, trong đó có những kỹ thuật độc đáo chỉ có ở Việt Nam như kỹ thuật trồng âm, tạo bồn để giữ nước tưới và chống xói mòn đất…

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trồng cà phê là then chốt

Theo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trong nghề trồng cà phê, vấn đề tạo hình được xem như một biện pháp kỹ thuật bắt buộc với mục đích tạo cho cây cà phê có bộ tán cân đối, khai thác triệt để không gian riêng có của mỗi cây, tạo sự cân bằng giữa sinh trưởng, ra hoa và đậu quả, đồng thời, ổn định được sản lượng của vườn cây.

Có hai hệ thống tạo hình cà phê chính là tạo hình đa thân không hãm ngọn và tạo hình đơn thân, cây được hãm ngọn.

Do đặc thù riêng, nhất là vùng Tây Nguyên, phần lớn cà phê vối ở các tỉnh Tây Nguyên được tạo hình đơn thân có hãm ngọn.

Đây là sáng tạo độc đáo của nghề trồng cà phê ở Tây Nguyên vì tất cả diện tích cà phê  ở trên thế giới đều áp dụng kỹ thuật tạo hình đa thân do đặc điểm của loại cây này có ít cành thứ cấp.

Tuy nhiên, ở Tây Nguyên trong điều kiện có tưới nước vào mùa khô, cây cà phê lại có khả năng phát sinh nhiều cành thứ cấp (cấp 2, cấp 3…) cho phép áp dụng có hiệu quả kỹ thuật tạo hình đơn thân.

Ngoài ra khi cắt cành tạo tán, cần cắt nhỏ cành cà phê loại thải thành những đoạn 20 cm, rải đều vào bồn gốc cây. Cành, lá cà phê sẽ mục dần, vừa bổ sung dinh dưỡng cho cây, vừa tạo sự thông thoáng, xốp đất, lại chống cỏ dại rất tốt. Hai đến ba năm, cần bón vôi 1 lần với lượng 500 kg/ha.

Chọn giống cây trồng tốt

Theo báo Nông thôn Ngày nay, từ năm 2000 trở về trước, hầu hết diện tích cà phê của Việt Nam đều trồng bằng hạt, trong đó, phần lớn là người nông dân tự chọn giống là chính. Do trồng bằng hạt không qua quy trình chọn lọc, tỷ lệ cây cho năng suất thấp, hạt bé, bị nhiễm bệnh gỉ sắt trong vườn khá cao, trung bình từ 5 đến 10%.

Sự dụng toàn người máy tự động pha cà phê(VietQ.vn) - Quán cà phê Dotcom Space sử dụng người máy pha chế cà phê và làm kem cho khách hàng chính thức khai trương ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Những năm gần đây, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đã lai tạo, tuyển chọn thành công 16 giống cà phê mới phục vụ tốt yêu cầu phát triển cà phê bền vững.

Do đó, điều đầu tiên phải chú trọng đó là cây giống, từ lúc trồng mới, phải biết chú trọng chọn bộ giống tốt. Trong quá trình canh tác, phải thường xuyên áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về cắt tỉa cành, đốn tạo hình kịp thời và đúng yêu cầu kỹ thuật, tạo cho cây cà phê có bộ tán phát triển đều, khỏe, cân đối và thông thoáng. Ngoài ra, hàng năm, phải tự chọn lọc, ghép chồi để loại bỏ những cây có quả nhỏ, cây bị bệnh rỉ sắt, cây có chùm quả dai khó thu hái... Nguồn chồi ghép có thể chọn những cây 'hoa hậu' ngay trong vườn. Kỹ thuật tạo hình, tạo tán, ghép chồi cà phê cần phải điêu luyện như tay nghề của các nghệ nhân cây cảnh.

Phòng trị bệnh và chăm sóc cây

Theo tìm hiểu của PV, về phòng trị bệnh và chăm sóc cây hoàn toàn áp dụng các biện pháp sinh học, không cần đến các loại thuốc trừ sâu bệnh. Đối với những cây bị nhiễm bệnh rỉ sắt, cần phải tiến hành ghép chồi của cây khỏe mạnh sạch bệnh.

Đối với các loại bệnh khô cành, rụng quả, cần cung cấp đủ dinh dưỡng, khoáng vi đa lượng; tạo cành, tạo tán đều, khỏe mạnh, đủ ánh sáng.

Đặc biệt về khâu bón phân, nếu làm tốt sẽ vừa hạ được giá thành, vừa cho năng suất cao. Cà phê là cây có nhu cầu dinh dưỡng cao nên mỗi năm phải bổ sung thêm 10-15kg phân chuồng ủ hoai/cây và bón vào sau thu hoạch.

Cụ thể, phân hóa học phải 3 đợt/năm: Vào đầu mùa mưa, giữa mùa mưa và cuối mùa mưa. Nếu có lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống thì lượng phân bón hóa học của mỗi đợt nên chia đều ra 10 ngày tưới/lần.

- Lượng phân hóa học bón cho cây cà phê năm thứ nhất là 260kg ure, 500kg lân và 100kg kali.

- Năm thứ hai khoảng 320kg ure, 650kg lân và 200kg kali.

- Năm thứ ba 420kg ure, 700kg lân, 300kg kali.

- Thời kỳ cây cho trái nhiều, mỗi năm bón 450kg ure, 800kg lân, 350kg kali.

- Thời kỳ cây phục hồi, bón 540kg ure, 900kg lân và 430kg kali.

Nếu chăm sóc, bón phân cho cây đúng quy trình trên, các nhà vườn có thể đẩy năng suất của cà phê tăng gấp 2-4 lần hiện nay. Như vậy, dù giá cà phê có xuống 23 ngàn đồng/kg như thời điểm này thì nông dân vẫn có lời hơn 30 triệu đồng/hécta.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang