Kỳ vọng RCEP tạo sung lực phát triển nền kinh tế Việt Nam

author 07:04 03/05/2021

(VietQ.vn) - Vì hiện nay, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước châu Á vẫn là một quan hệ thương mại tự do rất quan trọng, đóng góp những nguồn hàng lớn, đặc biệt là về mặt nguyên liệu giúp cho chúng ta có thể duy trì sản xuất và xuất khẩu…

Đến nay, sau gần 6 tháng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết bởi 15 quốc gia (bao gồm 10 nước ASEAN và 5 nước có ký kết các FTA với ASEAN (gọi tắt là ASEAN+), hiện đã có 4 nền kinh tế, bao gồm Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Trung Quốc đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định này. Theo cam kết, Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực khi ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê chuẩn, chấp nhận hoặc phê duyệt Hiệp định. Với các nước còn lại, Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực đối với các nước đó sau 60 ngày kể từ ngày nước này hoàn tất các thủ tục trong nước.

Các chuyên gia dự kiến, Hiệp định RCEP cũng sẽ sớm được trình Quốc hội Việt Nam xem xét, thông qua trong năm nay, bởi Hiệp định này được hứa hẹn sẽ đem lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam khi có hiệu lực thực thi. 

Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực - RCEP được ví như một “siêu Hiệp định” bởi có sự tham gia của 15 nền kinh tế, khi được thực thi sẽ tạo nên một thị trường rộng lớn với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Kỳ vọng RCEP tạo sung lực phát triển nền kinh tế Việt Nam. Ảnh minh họa

Góc độ xuất nhập khẩu hàng hóa, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng: "Với các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cũng đã có những Hiệp định FTA riêng rẽ, tuy nhiên RCEP có thể coi là một bản vừa là nâng cấp vừa đặt ra những yêu cầu cao hơn nữa so với từng Hiệp định riêng rẽ.

Điều này cũng sẽ khác với từng Hiệp định thương mại tự do mà ASEAN và Việt Nam đã ký với các đối tác trước đây… Và kỳ vọng ở đây chúng ta cũng có thể thấy là khi RCEP có hiệu lực nó sẽ tạo ra những sung lực rất mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam. Vì hiện nay, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước châu Á vẫn là một quan hệ thương mại tự do rất quan trọng, đóng góp những nguồn hàng lớn, đặc biệt là về mặt nguyên liệu giúp cho chúng ta có thể duy trì sản xuất và xuất khẩu…".

Bên cạnh đó, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho biết, ngoài những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu và hiện nay cũng đã tham gia được vào các chuỗi cung ứng trên thế giới, các mạng sản xuất của khu vực rất lớn như dệt may, da giày, đồ gỗ… thì RCEP còn tạo cơ hội cho phát triển các ngành dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ và đầu tư…

Tuy nhiên, để có thể khai thác tối đa các lợi ích của Hiệp định RCEP, việc đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam cần làm là nghiên cứu kỹ các cam kết của Hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhấn mạnh, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị về các tác động bất lợi mà Hiệp định RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.

"Có cơ hội thì cũng có thách thức, nếu doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội thì sẽ chịu sức ép cạnh tranh ở chính trên sân nhà. Vì nếu các nước khác trong RCEP họ tận dụng được cơ hội của RCEP và đẩy mạnh được sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, thì đấy là chuyện đương nhiên của bất cứ FTA nào chứ không phải chỉ do RCEP...".

Hiện, đã có 4 quốc gia/nền kinh tế (bao gồm 2 nước ASEAN và 2 nước đối tác) hoàn tất thủ tục phê chuẩn RCEP. Dự kiến Hiệp định RCEP cũng sẽ sớm được các nước còn lại xem xét thông qua, trong đó có Việt Nam, và khả năng RCEP sẽ có hiệu lực ngay từ đầu năm 2022. Do vậy, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện Chương trình hành động của Chính phủ về việc triển khai Hiệp định RCEP. Đồng thời, đây là khoảng thời gian tốt nhất để Chính phủ thông qua các bộ, ngành và các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng cung cấp thông tin về Hiệp định đến cộng đồng doanh nghiệp.

'Quy tắc xuất xứ' trong RCEP: Khó hay dễ cho doanh nghiệp Việt Nam?(VietQ.vn) - Nếu như quy định về chứng nhận xuất xứ hàng hoá để được hưởng ưu đãi theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có phần gây khó khăn cho Việt Nam vì chưa áp dụng cho đối tượng là nhà nhập khẩu đủ điều kiện để tự tuyên bố xuất xứ thì ở Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) quy tắc xuất xứ lại là một “điểm cộng” tương đối dễ dàng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang