Kỳ vọng xuất khẩu da giày phục hồi vào cuối năm 2020

author 14:27 07/09/2020

(VietQ.vn) - EVFTA được thực thi sẽ giúp doanh nghiệp da giày đẩy nhanh xuất khẩu, tăng trưởng kim ngạch, bù lại sự giảm tốc từ đầu năm đến nay.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong tháng 8/2020, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 2,9% so với tháng trước, nhưng giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 8 tháng năm 2020, mức độ sụt giảm là 4,3% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 8 tháng đầu năm nay ước đạt 10,9 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Về mặt thị trường, tính chung 7 tháng đầu năm, Mỹ dẫn đầu về tiêu thụ giày dép Việt Nam với kim ngạch 3,43 tỷ USD, chiếm tỷ trọng trên 36% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước và giảm gần 9% so với cùng kỳ 2019.

Đứng thứ hai là Trung Quốc chiếm 12%, đạt 1,14 tỷ USD, giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường theo sau gồm Bỉ, Nhật Bản, Đức, kim ngạch xuất khẩu cũng giảm lần lượt 17%, 2% và trên 10% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, hầu hết xuất khẩu giày dép ra thị trường nước ngoài đều bị sụt giảm. Đan Mạch là thị trường giảm mạnh nhất với gần 64%, đạt 6,2 triệu USD.

Động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành da giày chính là Hiệp định EVFTA. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành chính là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua. Thực tế số liệu cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 kể từ khi EVFTA có hiệu lực cho thấy, mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Cụ thể, trong vòng 1 tháng kể từ ngày 1/8 đến hết 31/8, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan,...

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) Phan Thị Thanh Xuân cho biết, EVFTA được thực thi sẽ giúp doanh nghiệp da giày đẩy nhanh xuất khẩu, tăng trưởng kim ngạch, bù lại sự giảm tốc từ đầu năm đến nay. Bởi, EU là thị trường có tiềm năng lớn, chiếm gần 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của ngành, với trị giá khoảng 6 tỷ USD mỗi năm. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu giày dép trong quý III và quý IV-2020 sẽ đạt mức tăng trưởng trở lại, duy trì mức tăng trưởng 10% cho những tháng cuối năm 2020.

Đại diện Lefaso dẫn chứng, đến thời điểm này, nhiều hợp đồng mới đã được doanh nghiệp da giày thương thảo. Một số doanh nghiệp có quy mô lớn như: Công ty CP Tập đoàn Gia Định, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và giày da An Thịnh… đã tiến hành thương thảo với một số đối tác về các đơn hàng, đặc biệt từ thị trường EU, dự kiến sẽ được ký vào những tháng cuối năm. Hiện nay, những doanh nghiệp này đang chuẩn bị cho các kế hoạch đẩy mạnh sản xuất trở lại.

Theo Lefaso, ngoài việc được giảm thuế suất về 0%, EVFTA được đánh giá có quy định khá mở cho các doanh nghiệp Việt Nam, khi cho phép doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu từ những nước thành viên EU và những nước mà EU có ký kết FTA (gồm Hàn Quốc, Nhật Bản); hay quy định về xuất xứ hàm lượng giá trị khu vực (Regional Value content - RVC), quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) từ EU. Đặc biệt, đến nay các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam đã đáp ứng trên 98% điều kiện xuất xứ khi thực hiện GSP, nên có thể đáp ứng tốt điều kiện của EVFTA…

Nắm bắt cơ hội phát triển ngành dệt may và da giày (VietQ.vn) - Khả năng phát triển của ngành dệt may và da giày Việt Nam sẽ rộng mở hơn nhờ hiệu ứng của Hiệp định EVFTA.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang