Kỳ vọng xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục khởi sắc

author 07:13 11/04/2021

(VietQ.vn) - Thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Việc triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine Covid-19, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ qua đó giúp tăng cường cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, tính chung Quý I/2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong quý đầu tiên của năm nay, có 11 mặt hàng đạt trị giá xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng trị giá xuất khẩu.

Kỳ vọng xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục khởi sắc thời gian tới. Ảnh minh họa. 

Dịch bệnh Covid-19 đã dần được khống chế và tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 ngày càng tăng chính là yếu tố thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong năm 2021. Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế lớn hiện vẫn tiếp tục phải gia hạn lệnh phong tỏa có thể khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Trong khi đó, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, buộc phải dời kế hoạch xuất hàng cho đơn hàng cũ và chưa thể nhận đơn hàng mới vì không thể giao đúng theo hợp đồng, cản trở việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, nếu nhìn vào hoạt động xuất khẩu Quý I có nhiều khả quan. Tuy nhiên, nhìn vào từng ngành hàng cụ thể thì có sự khác biệt. Điển hình như ngành điện tử, đồ gỗ nội thất đang được hưởng lợi từ yếu tố thị trường, nhưng dệt may, da giày còn khó khăn rất lớn. Cùng với đó, tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng, nổi lên là vấn đề logistics hay những biến động về địa chính trị trên thế giới cho thấy hoạt động thương mại hiện nay vẫn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất ổn.

“Cần có những hỗ trợ kịp thời cho những ngành, lĩnh vực đang chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Về phía doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các kịch bản đối phó và nắm bắt cơ hội từ các bất ổn có thể xảy ra. Nâng cao khả năng thích ứng là yếu tố cốt lõi với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp hiện nay”, ông Trần Thanh Hải nói.

Trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Việc triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine Covid-19, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ qua đó giúp tăng cường cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. 

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các thị trường mới nổi, tiềm năng. Đồng thời, tổ chức triển khai tốt các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKFTA đã tạo điều kiện đưa hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi hơn, cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.

Bình Thuận: Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa(VietQ.vn) - Mới đây, Bình Thuận đã xây dựng Kế hoạch thực hiện “Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang