La liệt hộp đen vô tác dụng trên thị trường

author 07:17 07/11/2013

(VietQ.vn) - 9/30 doanh nghiệp sản xuất hộp đen bị khai tử vì sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, chất lượng.

 Khi các phương tiện vận tải đường bộ được yêu cầu lắp thiết bị giám sát hành trình, còn gọi là hộp đen (đợt đầu vào ngày 1/7/2011), nhà quản lý, doanh nghiệp (DN) và người dân đều hi vọng thiết bị sẽ tạo nên bước đột phá về quản lý, giám sát phương tiện.

Tuy vậy, trong các đợt thanh kiểm tra của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa qua, có tới 9/30 DN sản xuất bị khai tử, các hộp đen đã lắp trên phương tiện bị "câm", "điếc". Lúc này, các doanh nghiệp vận tải, nhà xe không biết tin vào ai.

Theo các doanh nghiệp đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện, hiện đang có rất nhiều hộp đen kém chất lượng trên thị trường. Một chủ DN cho rằng, lý do cũng bởi Bộ GTVT cấp phép tràn lan, các DN không đủ tâm, đủ tầm nhảy vào, rồi "vỏ Việt ruột Tàu"...

Hop den kem chat luong tran lan

Các hộp đen hoạt động tốt sẽ góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh minh họa

Vị này cũng nói: "Dù có làm đàng hoàng, nó vẫn "chết" như thường bởi nhiệt độ cao, bị tài xế đập phá... Thiết bị điện tử, chip bọc trong hộp kín không chịu nổi nhiệt độ cao. May ra hàng quân đội nồi đồng cối đá mới chịu được!".

Trên thực tế, giữa năm 2008, tại TP HCM, Sở GTVT thành phố đã triển khai dự án "Thiết kế, sản xuất hệ thống thiết bị định vị để quản lý phương tiện", phối hợp cùng Công ty Viễn Tân (thiết kế). Và ngay trong năm đó, Viễn Tân đã cho ra mắt thiết bị tên NFT, có chức năng liên lạc (giữa trung tâm và phương tiện), lưu dữ liệu hành trình (10.000 km), lưu trữ các thông số tắt, mở máy, tốc độ, số lần đóng - mở cửa… Tất cả các thông tin trên sẽ được truyền về trung tâm qua GMS (GPRS) để điều độ viên có thể quan sát, xử lý mọi sự cố lập tức. NFT sau này đã được lắp đặt trên gần

3.000 phương tiện, được các doanh nghiệp vận tải, nhà xe đánh giá rất cao. Sau 2 năm ứng dụng NFT, ông Đỗ Đình Thắng- Giám đốc Công ty Vitramex- cho biết NFT đã giúp tiết kiệm phí liên lạc giữa điều độ viên và tài xế 30%, 4% phí do điều xe không hợp lý, 15% phí nhiên liệu… Tuy nhiên, vì lý do cá nhân, cha đẻ của NFT, kỹ sư Ngô Duy Năng đã để lại toàn bộ công nghệ, bản quyền cho Công ty Tecapro (Bộ Quốc phòng), đơn vị hiện đang sản xuất thiết bị cho Viễn Tân.

Là đơn vị sản xuất thiết bị điện tử cho quân đội, Tecapro đã tiếp tục cải tiến thiết bị này để tăng khả năng chịu nhiệt độ cao, va đập đúng chất "quân đội". Cũng do đó, giá sản phẩm bị đẩy lên cao, đắt gần bằng sản phẩm cao cấp của Đài Loan, Nga, gấp 3, 4 lần sản phẩm phổ thông tràn lan ngoài thị trường (7-12 triệu đồng tùy yêu cầu, so với 3 triệu đồng). Giá đắt cũng là điều khiến hộp đen của Tecapro không cạnh tranh nổi với các sản phẩm giá rẻ, nhất là khi chủ xe có tâm lý lắp để đối phó.

Ông Hoàng Anh Tuấn- GĐ R&D của Tecapo- cho biết: "Chúng tôi không thể hạ giá quá nhiều, bởi chất lượng sẽ giảm xuống. Là đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, việc đưa sản phẩm ra dân sự chỉ là thứ yếu!" Tuy nhiên, trước thực trạng hộp đen giá rẻ chất lượng quá thấp, NFT lại đang được nhiều chủ xe tìm tới, không chỉ ở phía Nam mà cả ở miền Trung, miền Bắc.

Nguyễn Nam (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang