Lại bàn chuyện trả lương: Bởi Việt Nam rất khác

author 15:32 29/06/2015

Đúng là có những tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nhưng lương vẫn cao. Như vậy chứng tỏ việc giám sát của hệ thống DNNN có vấn đề.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội đã nói như vậy khi trao đổi với Đất Việt xung quanh câu chuyện trả lương tại Việt Nam.

Chưa cải cách được thể chế, khó nâng lương

Câu chuyện bắt nguồn do mới đây Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) công bố quyết toán tiền lương viên chức quản lý năm 2014 cho thấy, mức lương của một số vị trí lãnh đạo tập đoàn dao động quanh mức 50 triệu đồng/tháng.

Trước đó vào năm 2014, lần đầu tiên Bộ Công thương đã công khai mức lương của 120 lãnh đạo thuộc 11 tập đoàn, tổng công ty, trong đó mức cao nhất là hơn 74 triệu đồng/tháng.

Bộ Nội vụ mới đây thừa nhận lương Bộ trưởng khó sống với mức 14,4 triệu đồng/tháng.

Phân tích về thực tế này TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: Rõ ràng lương bộ trưởng như vậy là không cao.

Lý do được ông Dũng nói trước hết là vì lương bộ trưởng phải lấy từ ngân sách, khác với lương của doanh nghiệp.

"Trong các khoản chi của ngân sách thì lương chỉ là một khoản ưu tiên của đất nước thì có rất nhiều ưu tiên. Tức là phải chi rất nhiều thứ. Vì vậy không thể nào có một mức lương cao hơn trong hoàn cảnh của chúng ta bây giờ. Mặc dù ở chức bộ trưởng thì đáng ra lương phải cao hơn.

Nếu chúng ta cải cách thể chế được để người ăn lương từ ngân sách ít hơn và làm ăn kinh tế khá lên được thì mới có cơ hội nâng lương của bộ trưởng.

Ngược lại lương của doanh nghiệp thì quy định theo phương thức khác vì rõ ràng họ không phải là công chức ăn lương từ ngân sách mà dựa theo hoạt động kinh doanh của mình.

Và rõ ràng quy định này phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả kinh doanh làm nhiều được lương nhiều và làm ít thì lương ít", TS Dũng lý giải.

Đang có sự bất hợp lý trong cách trả lương cho bộ trưởng và lãnh đạo DNNN

Tuy nhiên, thực tế  là Kiểm toán Nhà nước hàng năm vẫn công bố, nhiều lãnh đạo tập đoàn có mức lương hàng chục triệu đồng khi đơn vị của họ làm ăn thua lỗ hoặc có lợi nhuận thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cực thấp.

TS Nguyễn Sĩ Dũng thừa nhận có thực tế này: "Đúng là có những tập đoàn, doanh nghiệp thua lỗ nhưng lương vẫn cao. Như vậy chứng tỏ việc giám sát của hệ thống doanh nghiệp nhà nước có vấn đề".

Theo TS Dũng, có một điều rõ ràng là nếu đúng đắn thì không làm được thì lấy đâu mà chi?. Như vậy ở đây công tác kiểm toán rất quan trọng và giám sát của báo chí cũng rất quan trọng để không xảy ra tình trạng đã không làm được mà còn chi cao. Điều này là hết sức bất hợp lý.

Việt Nam rất khác...

Nhìn ở góc độ khác, ĐBQH Dương Trung Quốc lại cho rằng nguồn thu nhập ở Việt Nam là một lĩnh vực không kiểm soát được trong khi các nước họ đều quản lý rất chặt về việc này, thông qua cơ chế tài chính, giao dịch tài chính…

Phân tích điều này, ông Quốc đưa ra nhiều yếu tố để chứng minh dù là lương bộ trưởng thấp nhưng vẫn có thể xem là ổn. Lý do là ngoài lương, Bộ trưởng còn có chế độ đảm bảo việc đi lại, xe cộ, nhà ở…

“Việt Nam rất khác vì thế nếu căn cứ vào nước ngoài để lập luận rồi đòi tăng lương thì lại sinh ra những bất cập xã hội khác. Lương không phải là nguồn duy nhất của thu nhập và người ta có thể sống được mà không cần có lương”, ông Quốc nói thẳng.

Về việc Singapore trả lương rất cao cho Bộ trưởng, ông Dương Trung Quốc bình luận: “Việt Nam rất khác Singapore ở đây có tăng lương mấy thì người ta cũng vẫn vậy thôi, năng lực người ta như vậy, người ta vẫn làm như thế, ta phải xem trên hiệu quả mới đúng. Có thể là ông Lý Quang Diệu tính trả lương Bộ trưởng theo hiệu quả công việc chứ còn ta, có cơ chế nào để tính toán như vậy không, để đong đo được hiệu quả công việc của Bộ trưởng hay chỉ là cảm giác?”.

TS Nguyễn Sĩ Dũng thì cho rằng không thể tồn tại mãi sự bất hợp lý trong cách tính lương nhưng có một điều rõ ràng là không thể có một doanh nghiệp nào có thể phát triển bền vững nếu anh không làm ra mà vẫn chi nhiều hơn, ăn nhiều hơn cái kiếm ra thì sớm muộn cũng sẽ sụp đổ.

"Có doanh nghiệp tốn tại được có vẻ như được sự hỗ trợ từ chỗ này chỗ kia nhưng chắc chắn điều đó cũng không thể bền lâu. Và cuối cùng thì điều này sẽ gây nên hệ quả cho nền kinh tế của đất nước", TS Nguyễn Sĩ Dũng lo ngại.

Theo Đất Việt


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang