Lại chuẩn bị tăng viện phí mới

author 06:58 16/02/2014

Viện phí sẽ tăng tiếp ở một số dịch vụ với mức tăng trung bình 20%.

Tăng viện phí bù tiền lương

Dẫn lời ông Lê Văn Phúc, Phó Ban thực hiện chính sách BHYT của BHXH Việt Nam, cho biết viện phí sẽ xây dựng tăng theo hướng chi phí phụ cấp thường trực của nhân viên y tế được tính vào giá ngày, giường điều trị nội trú; phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật được tính vào giá của từng phẫu thuật, thủ thuật.

Dự kiến, phần chi phí tăng thêm này là khoảng 1.400 tỉ đồng, gần bằng 1/3 phần chi phí tăng thêm cả năm 2013 do viện phí tăng. Theo ước tính, viện phí sẽ tăng tiếp ở một số dịch vụ với mức tăng trung bình 20%.

Ông Phúc cho rằng, qua kiểm tra nhiều địa phương hiện tượng quá tải, thiếu giường bệnh sau 3 tháng điều chỉnh viện phí vẫn diễn ra. Ở nhiều tỉnh, BHXH còn ghi nhận tình trạng cơ cấu viện phí đã chi cho các trang thiết bị như khẩu trang, găng tay, mũ y tế, thuốc sát trùng để rửa tay... nhưng bác sĩ không sử dụng.

Chuẩn bị vào đợt tăng viện phí mới

Chuẩn bị vào đợt tăng viện phí mới. Ảnh minh họa

Đặc biệt, tình trạng chỉ định các dịch vụ quá mức cần thiết, tại một BV ở phía Nam, bệnh nhân có thẻ BHYT được chỉ định chụp cộng hưởng từ hơn gần 10 lần số lượng bệnh nhân tự trả viện phí. Ngoài ra, các dịch vụ khác như siêu âm màu, chụp CT… bệnh nhân BHYT cũng được chỉ định “rộng tay” hơn nhiều so với người bệnh tự trả tiền.

“Điều này không chỉ ảnh hưởng tới nguồn quỹ mà khiến người bệnh thiệt hại vì phải đồng chi trả từ 5%-20% chi phí khám chữa bệnh. Đó là chưa kể khoản tiền chênh lệch người bệnh phải trả thêm do BV dùng máy từ nguồn xã hội hóa” - ông Phúc nói.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hiện nay khoảng 67% dân số Việt Nam có thẻ BHYT nhưng số tiền người dân chi trả cho y tế từ tiền túi còn cao, chiếm đến 50%. Trong khi đó chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế lại chưa đáp ứng hết nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

GS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cho rằng đây là nguyên nhân khiến nhiều người bị nghèo hóa vì chi phí y tế. Thế nhưng trong tình trạng dân nghèo hóa thì quỹ bảo hiểm lại có kết dư, không sử dụng hết.

Theo ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nguy cơ nghèo hóa của người dân khi đi khám, chữa bệnh là có thực, nhưng theo báo cáo của một số cơ sở y tế, hiện quỹ BHYT của họ lại đang ở tình trạng kết dư (tức là thừa tiền, không sử dụng hết).

Từ năm 2010 đến 2013, Quỹ BHYT đã kết dư 15.000 tỉ đồng. Trong đó, riêng năm 2013, mặc dù viện phí tăng và 30 địa phương bội chi nhưng quỹ vẫn kết dư trên 2.000 tỉ đồng. Rõ ràng, Quỹ BHYT là do người dân đóng, nhưng khi kết dư lại chưa được tái sử dụng để phục vụ người bệnh.

Viện phí tăng, chất lượng không tăng

Trước đó, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất tăng viện phí do Bộ Y tế xây dựng. Theo dự kiến của Bộ Y tế, lộ trình năm 2014 sẽ tiếp tục tăng viện phí tại khu vực điều trị. Thu viện phí theo hướng đủ 7/7 yếu tố cấu thành, trong đó có tiền lương, phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật...

Trong khi viện phí hiện hành (có 407 dịch vụ mới tăng giá giữa năm 2012) mới tính 3/7 yếu tố. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, tăng viện phí là điều kiện tốt để nâng cao quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, từ ngày 1/8/2012, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã áp dụng giá viện phí mới, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương đã triển khai đầu tiên.

Khi tăng viện phí, Bộ Y tế đã hứa, sẽ khiến cho người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế với chất lượng tốt hơn (do bệnh viện có kinh phí để phục vụ), nhất là với đối tượng có bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, sau nửa năm tăng viện phí, sáng 14/1/2013, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế có buổi làm việc tại BV Ung Bướu TP HCM. Tại đây bà đã tận mắt chứng kiến cảnh ngộ bệnh nhân chui từ gầm giường chào Bộ trưởng.

Trong khi đó, sau nửa năm tăng viện phí, thực trạng khám chữa bệnh ở một số bệnh viện Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, bệnh viện Nhi… dường như chưa có gì thay đổi.

Theo Đất Việt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang