Hạ lãi suất: Doanh nghiệp có được hưởng lợi?

author 14:07 13/03/2015

(VietQ.vn) - “Việc tiếp cận vốn mới là trở ngại của các DN nhỏ. Lãi suất tuy giảm nhưng không có tài sản thế chấp và họ vẫn phải đứng ngoài nhìn”.

Sự kiện: Lãi suất ngân hàng

Nút gỡ là tài sản thế chấp

Đầu tháng 3, các ngân hàng đồng loạt cùng nhau hạ lãi suất huy động tiền gửi thấp kỷ lục, chỉ còn 4%/năm.

Việc hạ lãi suất huy động là một trong những động thái có thể khiến mặt bằng lãi suất cho vay của các khoản vay mới thời gian tới giảm theo. Nhiều người kỳ vọng, việc giảm lãi suất cho vay sắp tới sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất có cơ hội vực dậy.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú tỏ ra không mấy tin tưởng về việc tiếp cận vốn với lãi suất thấp của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo ông Phú, cái khó khăn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là làm sao để tiếp cận được nguồn vay này. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, không có tài sản thế chấp nên dù lãi suất có giảm thêm, việc tiếp cận cũng rất “mông lung”.

“Việc tiếp cận vốn mới là trở ngại của các DN nhỏ. Lãi suất tuy giảm nhưng không có tài sản thế chấp và họ vẫn phải đứng ngoài nhìn”.

Theo ý kiến của chuyên gia này, các ngân hàng cần phân loại khách hàng, tin tưởng hơn vào các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp hộ gia đình, linh động cho vay.

“Các ngân hàng nên bảo lãnh tín dụng cho sản xuất kinh doanh vì sản xuất là gốc. Dân nuôi trăm con gà, có gì mà thế chấp. Chuyện này tương tự như việc lắp đồng hồ điện bên ngoài để kiểm soát người ăn trộm điện. Họ nghĩ ai cũng xấu cả”, ông Phú nói.

Lãi suất hạ: Doanh nghiệp có được hưởng lợi?

Việc hạ lãi suất huy động không mấy tác động đến các DN nhỏ. Ảnh minh họa

Có nên bỏ trần?  

Hơn nữa, theo chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội – Vũ Vinh Phú, động thái hạ lãi suất huy động của các ngân hàng dường như chưa tác động trực tiếp nhiều đến lãi suất cho vay. Một số doanh nghiệp vẫn phải vay với mức 11 – 12% thay vì 7 – 8% như công bố. 

Không những thế, thủ tục vay vốn vẫn luôn là rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp; thậm chí còn có tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ cho vay.
“Vay 100 triệu thì phải ném cửa trên, cửa dưới. Có người vay 7 triệu thì còn cầm về 6 triệu”, vị này nói.

Trong khi đó, việc hạ lãi suất huy động đang ở mức rất thấp khiến ông Phú lo ngại người dân sẽ rút tiền ra khỏi kênh đầu tư này bởi vô tình các ngân hàng đang chặn đầu vào nhưng không chặn đầu ra. Một nghịch lý cần được giải quyết.

Theo đó, ông Phú đề xuất nên bỏ trần lãi suất, để thị trường quyết định bởi việc chặn đầu vào mà không chặn đầu ra khiến doanh nghiệp nghèo gặp khó, người có tiền sẽ không gửi tiết kiệm; thực hiện bảo lãnh tín dụng cho sản xuất kinh doanh; rút gọn ngân hàng yếu kém, để ngân hàng mạnh phục vụ người dân; tăng cường thanh kiểm tra; trong sạch đội ngũ cán bộ ngành tài chính; cải cách thủ tục hành chính…

 

Trà Phương


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang