Lái xe không phải dừng nộp phí sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng

author 06:59 11/03/2015

(VietQ.vn) - Trạm thu phí không dừng đang được Bộ GTVT thí điểm, lái xe không phải dừng khi nộp phí đi qua trạm thu phí và sẽ tiết kiệm được thời gian, tránh tắc đường, lái xe cảm thấy thoải mái hơn.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường trả lời toàn bộ câu hỏi của báo giới tại buổi họp báo sáng 10/3 xung quanh công nghệ thu phí không dừng ETC. 

- Thưa Thứ trưởng, Tổng cục đường bộ và Bộ GTVT đưa ra một khoản kinh phí rất lớn để đầu tư các trạm cân tại các trạm thu phí, khi sử dụng trạm thu phí không dừng, các trạm cân sẽ giải quyết ra sao?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Trong giai đoạn đầu, khi chưa làm được công nghệ thu phí không dừng tại tất cả tại các trạm nên sẽ song song công nghệ không dừng và có dừng.  Còn đối với trạm cân, tất cả các dự án BOT rất mong muốn đặt trạm cân để quản lý tải trọng phương tiện lưu thông trên đoạn đường BOT. Về phía cơ quan Nhà Nước, hai công nghệ thu phí không dừng và cân động tích hợp đồng bộ với nhau và được kiểm soát bởi một trung tâm điều hành do Bộ GTVT quản lý.

Khi ô tô đi qua trạm thu phí sẽ được cân và cảnh sát giao thông sẽ biết được xe đó quá tải. Cảnh sát giao thông sẽ hướng dẫn xe này vào bãi để hạ tải, cách đó khoảng 1km đến 2km. Trên đó sẽ ghi một phiếu cho cảnh sát giao thông biết là xe này quá tải bao nhiêu, tải trọng bao nhiêu. Còn đối với trạng hiện nay, các tuyến đường khác không có trạm BOT thì vẫn sử dụng bình thường chứ không có chuyện các trạm BOT một dừng lãng phí.

- Thưa Thứ trưởng, công nghệ này đi liền với sự đầu tư về tiền bạc, vậy phí có tăng lên đối với các chủ phương tiện hay không?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Nếu tính toán đầy đủ, lâu dài thì trạm không dừng sẽ ít chi phí hơn so với trạm một dừng. Đối với trạm một dừng, ngoài đầu tư nhà che ở phía ngoài, bên cạnh còn có nhà phục vụ công nhân và nhân lực cho trạm thu phí một dừng có khi lên tới hàng trăm công nhân.

Nếu làm trạm không dừng thì đầu tư rất đơn giản, chỉ cần trạm bằng sắt, trên đó có hệ thống camera. Bên cạnh cần một nhà điều hành rất nhỏ, nhân lực rất ít chứ không cần nhiều người.

Do vậy, tổng mức đầu tư, bằng hoặc thấp hơn so với trạm thu phí một dừng.

- Thưa Thứ trưởng, vậy đối với các lợi ích trên, những ai sẽ là người hưởng lợi từ dịch vụ này?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Dịch vụ này phục vụ cho tất cả lái xe, mức thu phí không tăng lên và thời gian thu phí nhanh hơn nên lái xe cảm thấy thoải mái đi qua đó. Người được hưởng lợi đầu tiên là các lái xe.

Người được hưởng lợi sau đó là nhà đầu tư. Phía Ngân hàng cũng rất yên tâm bởi ngày nào xe đi qua bao nhiêu thì tiền về ngân hàng bấy nhiêu ngay trong ngày. Phía Quản lý Nhà Nước, việc chống thất thoát, tiêu cực của các trạm thu phí dễ hơn.

Do đó, nếu áp dụng công nghệ thu phí không dừng thì tất cả các bên đều được hưởng lợi.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: Vtc.vn

- Việc trạm thu phí nằm trong dự án BOT không độc lập trong khi mức thu phí hoàn toàn như nhau, vậy sẽ lấy tiền đâu để bù đắp chênh lệch đầu tư ban đầu cho công nghệ thu phí không dừng?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Có hai cái có thể bù đắp, chi phí cho vận hành thu phí một dừng lớn hơn rất nhiều với thu phí không dừng nên sẽ bù đắp một phần cho đầu tư ban đầu của thu phí không dừng. Phần còn lại chúng tôi sẽ kiến nghị với chính phủ kéo dài thời gian thu phí hơn cho nhà đầu tư.

- Bộ GTVT  nêu con số một năm có thể tiết kiệm được 3.400 tỷ đồng nếu áp dụng công nghệ thu phí không dừng. Xin nêu ví dụ cụ thể ở một trạm?

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP TASCO (đơn vị triển khai dự án) trả lời câu hỏi này: Vệc áp dụng các trạm thu phí ETC sẽ giúp tiết kiệm một khoản tiền rất lớn là khoảng 3.400 tỷ đồng/năm trên tuyến đường áp dụng. Cụ thể, năm 2016 sau khi QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hoàn thiện việc nâng cấp, mở rộng sẽ có khoảng 100 trạm thu phí đưa vào hoạt động.

Tại mỗi trạm thu phí, nếu áp dụng trạm thu phí ETC sẽ không phải mất từ 300 triệu đồng - 500 triệu đồng tiền in vé mỗi năm. Ngoài ra, ETC sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều khoản nữa từ việc xe phải dừng lại, tốn nhiêu liệu, khấu hao xe nếu áp dụng công nghệ thu phí một dừng.

Nếu thu phí một dừng thì mỗi xe trung bình phải dừng lại ít nhất 3 phút. Một năm có khoảng 6.000 lượt xe qua các trạm thu phí trên 2 tuyến đường trên. Lợi ích về mặt thời gian nếu áp dụng công nghệ thu phí ETC quy ra tiền sẽ tiết kiệm 2.800 tỷ đồng/năm.

- Công nghệ thu phí không dừng dự kiến triển khai nếu so sánh với thế giới thì mức độ hiện đại đứng hàng thứ mấy thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Bộ GTVT khi đầu tư chọn công nghệ tốt nhất hiện nay trên thế giới. Độ chính xác đến 99%. Toàn bộ công nghệ sẽ hợp chuẩn qua bộ Khoa học Công nghệ. Khi xong sẽ mời Tổng cục Đo lường kiểm tra để cấp giấy chứng nhận. Sau đó sẽ công bố độ chính xác với các lái xe. Nếu như công nghệ không hiện đại, cân không chính xác, các lái xe có quyền từ chối. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng có thể kiểm tra vấn đề này.
- Vậy các trạm phí một dừng và trạm cân hiện tại sẽ xử lý thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Hiện nay một số tuyến chưa đầu tư, Bộ GTVT sẽ ban hành quy định để đầu tư theo công nghệ này. Các dự án đã đầu tư công nghệ dừng thì sẽ duy trì thêm một thời gian. Do đó, thời gian đầu lái xe phải sử dụng cả hai công nghệ.

Tháng 5/2015 sẽ đưa vào hoạt động hàng loạt

Về quá trình tiếp cận và thí điểm công nghệ thu phí ETC, sau khi tham khảo công nghệ, Bộ GTVT cử hai đoàn đi thàm quan thực tế tại Đài Loan với công nghệ nước này đã sử dụng là thu phí không dừng giai đoạn không dùng barie.

Đài Loan sẽ chuyển giao toàn bộ công nghệ, phía Việt Nam chỉ viết lại phần mềm phù hợp tiếng Việt. Trong giai đoạn đầu, phía Việt Nam vẫn bố trí barie.

Việc thí điểm ETC tại gai trạm Hoàng Mai và Quốc Lộ 14 sẽ hoàn thành trong tháng 3. Sau đó, có khoảng 30 trạm sẽ thử nghiệm trong vòng 1 tháng – 2 tháng tiếp theo để khảo sát trục trặc về phần mềm và các tình huống chưa lường trước. Nếu thành công, dự kiến từ tháng 5/2015 sẽ đưa hàng loạt trạm vào hoạt động.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay, sau giai đoạn thí điểm sẽ tính toán chi tiết từng trạm để ứng với từng vị trí tuyến đường và lưu lượng xe để định hình cho trạm. Dự án cũng sẽ tính toán vật tư thiết bị rồi đưa ra bộ đơn giá tiêu chuẩn cho một trạm thu phí. Cơ quan có thẩm quyền sẽ phê duyệt đơn giá này. Các cơ quan khác căn cứ vào bộ đơn giá này để lắp đặt các trạm ETC. 
Một đơn vị sẽ được thành lập để chuyên trách duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa, đảm bảo các trạm sau khi được lắp đặt sẽ vận hành 24/24.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, công nghệ thu phí không dừng đòi hỏi quản lý tập trung và khoa học, không có tác động của con người, dựa trên phần mềm công nghệ điện tử, mọi thứ đều minh bạch, rõ ràng, chính xác, không gian lận được.

Được biết, sau giai đoạn thí điểm, Bộ GTVT sẽ ban hành tiêu chuẩn và thông tư hướng dẫn cho tất cả các nhà đầu tư BOT để các dự án mới sẽ phải áp dụng công nghệ này, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

 


 Trần Hoài

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang